Phương án xử lý khoản nợ BHXH của hơn 213.000 lao động
Để giải quyết tình trạng sổ BHXH của người lao động bị treo, chưa được đóng đủ do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, có ý kiến đề xuất nên trích lãi từ nguồn kết dư của Quỹ BHXH
Theo báo cáo, các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn... còn nợ BHXH của hơn 213.000 người lao động với số tiền hơn 4.000 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đánh giá, đây là số tiền gần như không thể thu hồi.
Giải "bài toán" nợ BHXH
Dự thảo Luật BHXHsửa đổi sau nhiều lần chỉnh lý đã bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ lao động trong trường hợp chủ sử dụng không còn khả năng đóng BHXH như phá sản, giải thể, bỏ trốn.
Cụ thể, cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ. Nếu sau này chủ sử dụng đóng bù thì lao động sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại thời gian hưởng.
Nghĩa là lao động đóng đến đâu tính đến đó, không cộng thời gian bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH.
Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí, tử tuất thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng.
Nếu sau này cơ quan BHXH thu hồi được khoản nợ thì sẽ tính lại chế độ và trả lại khoản lao động đã đóng.
Theo cơ chế này, nếu lao động chọn đóng bù để hưởng hưu trí thì phải chi ít nhất 30% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Cụ thể, 8% tiền lương tháng đóng BHXH ban đầu nhưng doanh nghiệp không đóng; 22% tiền đóng bù (8% của lao động, 14% của doanh nghiệp) để được xác nhận thời gian đóng hưởng chế độ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đề xuất lao động nộp khoản BHXH bị doanh nghiệp trốn đóng để hưởng hưu trí là đẩy hết khó khăn cho họ, ảnh hưởng tiêu cực tới lưới an sinh.
"Mỗi tháng lao động đã phải trích 8% bình quân tiền lương đóng BHXH cùng 14% của doanh nghiệp. Nếu chủ sử dụng chậm, trốn đóng nghĩa là "ôm" luôn khoản này của lao động mà không nộp vào Quỹ. Phần lỗi thuộc về chủ doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước không theo dõi sát sao để ngăn ngừa chứ không phải do lao động. Yêu cầu lao động đóng bù cho khoản họ không có lỗi là rất vô lý"- một chuyên gia nêu quan điểm.
Nêu ý kiến về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng người lao động có quyền lựa chọn đóng hoặc không đóng BHXH để về hưu. Tuy nhiên, đề xuất người lao động đóng hết phần còn thiếu (cả của doanh nghiệp) là điều không thể, gây khó khăn cho người lao động.
Đề xuất xóa nợ bằng tiền lãi từ kết dư Quỹ BHXH
Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã đề xuất dùng tiền lãi kết dư từ Quỹ BHXH xóa nợ BHXH của doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho hơn 213.000 lao động. Với cách làm này mới có thể đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trước đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Việc hơn 213.000 lao động không thể chốt sổ BHXH để xin vào công ty mới và đóng bảo hiểm tiếp, không được giải quyết hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi chính đáng của người lao động.
Giữa năm 2023, BXHXH hướng dẫn BHXH các địa phương giải quyết chế độ hưu trí, BHXH một lần, ốm đau thai sản, tử tuất cho lao động tại các doanh nghiệp này theo nguyên tắc "đóng đến đâu hưởng đến đó", không cộng thời gian bị nợ. Nếu sau này khoản tiền nợ BHXH được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng và chi trả bổ sung chênh lệch.