Phương cách cũ, tầm quan trọng mới

Trung Quốc dễ dàng được các nước châu Phi chấp nhận chủ yếu là vì không áp đặt bất cứ điều kiện chính trị nào

Cứ 3 năm một lần kể từ năm 2000, Trung Quốc tổ chức cuộc gặp cấp cao với các quốc gia châu Phi. Năm nay, lãnh đạo các quốc gia châu Phi tham gia đông đảo nhất.

Người đứng đầu nhà nước và chính phủ của 50 quốc gia châu Phi đã đến thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc để tham dự diễn đàn hợp tác trong tuần này. Cả Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng được mời.

Sự kiện lớn như thế đương nhiên luôn là dấu mốc quan trọng trong tổng thể quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Với việc thành lập và duy trì khuôn khổ diễn đàn này, Trung Quốc đã đi trước tất cả đối tác lớn nhỏ khác trên thế giới trong việc chinh phục thành công châu Phi, gây dựng và không ngừng tăng cường vai trò, ảnh hưởng, vị thế trên mọi phương diện ở châu lục này.

Cách thức hợp tác của Trung Quốc rất đơn giản và cũng rất hiệu quả. Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho các quốc gia châu Phi, cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi để chi cho những dự án xây dựng hoặc phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc triển khai thực hiện tại châu Phi.

Trung Quốc mời chào các nước thuộc châu lục này thiết lập quan hệ đối tác về quân sự, thương mại, năng lượng tái tạo, giáo dục và đào tạo...

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tại thủ đô Bắc Kinh ngày 5-9. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tại thủ đô Bắc Kinh ngày 5-9. Ảnh: REUTERS

Cách thức hợp tác này được thể hiện rất rõ trong phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp cấp cao năm nay. Ông Tập Cận Bình tuyên bố trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ dành cho các nước châu Phi khoảng 50,7 tỉ USD, bao gồm viện trợ tài chính, cung cấp tín dụng và đầu tư trực tiếp của giới kinh tế tư nhân.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ chủ ý của Bắc Kinh là không chỉ mời chào các quốc gia châu Phi thiết lập quan hệ đối tác mà còn nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược.

Những mời chào nói trên được phía châu Phi hoan nghênh và hưởng ứng, đánh giá cao và đáp ứng mạnh mẽ. Một trong những lợi thế quyết định giúp Trung Quốc dễ dàng được các nước châu Phi chấp nhận làm đối tác hợp tác hơn phương Tây là vì Bắc Kinh không áp đặt bất cứ điều kiện chính trị nào.

Các quốc gia châu Phi đặc biệt nhạy cảm với chuyện bị áp đặt điều kiện chính trị và đặc biệt coi trọng việc được các đối tác bên ngoài xem là đối tác bình đẳng. Nga và Ấn Độ không khác biệt Trung Quốc nhiều trong cách thức kiến tạo và vận hành quan hệ hợp tác với các quốc gia châu Phi trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không thành công bằng.

Không phải các quốc gia châu Phi không biết là cái gì cũng có giá của nó. Họ biết Trung Quốc nhằm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và dồi dào ở châu Phi cũng như muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi dành cho Trung Quốc trong những vấn đề chung của thế giới.

Họ biết châu lục của mình đã trở thành chiến địa cạnh tranh chiến lược của các đối tác bên ngoài. Các quốc gia châu Phi đóng vai trò rất quyết định trong khối các quốc gia được gọi gộp chung trong "Phương Nam toàn cầu".

Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc nói chung và đề cao khuôn khổ diễn đàn gặp gỡ cấp cao định kỳ giữa hai bên nói riêng có lợi ích thiết thực cho các quốc gia châu Phi, đồng thời cũng giúp Trung Quốc gây dựng và tăng cường ảnh hưởng dẫn dắt khối "Phương Nam toàn cầu". Thời thế biến động giúp cho phương cách hợp tác cũ có được tầm quan trọng mới.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phuong-cach-cu-tam-quan-trong-moi-196240907224121194.htm