Phương châm làm báo của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố vẫn còn nguyên giá trị

Trong chuyến công tác cùng Hội Nhà báo TP Hà Nội về quê hương của cụ Ngô Tất Tố, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo nổi tiếng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền báo chí, văn học và cách mạng Việt Nam.

Chân dung nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố

Chân dung nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố

Cây bút xuất sắc, sung lực và đanh thép

Cụ Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở làng Lộc Hà (Kẻ Cói), tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn (xứ Đông Ngàn), tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống hiếu học nên Ngô Tất Tố đã được hưởng thụ nền giáo dục Nho học từ rất sớm. Sau đó, cụ đi học chữ Quốc ngữ và đỗ đầu kỳ thi khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh (năm 1915) nên được gọi là Đầu Xứ Tố, hay ông Xứ Tố. Sau đó, cụ Ngô Tất Tố dự khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, đỗ được kỳ đệ nhất. Từ năm 1916, cụ bắt đầu đi dạy chữ Quốc ngữ ở các làng trong vùng, rồi cụ viết văn, làm báo, đi theo cách mạng.

Nhà báo Ngô Tất Tố được đánh giá là cây đại thụ của làng văn, làng báo, một cây bút xuất sắc, sung lực, đanh thép của nền báo chí cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, với hơn 30 bút danh, đăng bài trên hơn 20 chuyên mục của gần 30 tờ báo trong Nam ngoài Bắc. Số lượng các bài viết được đăng báo của cụ lên đến con số hơn 1.500 tác phẩm, trải rộng trên nhiều thể loại như chính luận, bình luận, tản văn, phóng sự... Trong đó phải kể đến một số thiên phóng sự nổi tiếng như: Việc làng, Dao cầu thuyền tán, Tập án cái đình…

Sở hữu một sự nghiệp báo chí đồ sộ nhưng cuộc hành trình với nghề báo của cụ Ngô Tất Tố đầy rẫy những nhọc nhằn, thiếu thốn, có lúc cụ còn phải đi vay nợ như thời gian thai nghén và nuôi dưỡng tờ “An Nam tạp chí” cùng với nhà thơ Tản Đà. Trước những chông gai, thử thách, cụ không bao giờ nhụt chí. vẫn một lòng quyết tâm theo nghề cầm bút đến cùng.

Bút pháp của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố giàu tính nhân văn, ung dung và vô cùng linh hoạt. Khi đồng tình thì nhẹ nhàng nhân từ; khi thuyết phục thì đanh thép, thâm thúy; lúc thắng thế thì khiêm nhường, tỉnh táo; khi công kích thì cứng cỏi, đáo để; khi châm biếm thì tinh quái, chua ngoa…

Sự nghiệp báo chí của cụ Ngô Tất Tố trải qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1926 đến năm 1929, cụ cộng tác với nhà thơ Tản Đà để viết cho tờ An Nam tạp chí, một sản phẩm mang đặc chất văn chương, nghệ sĩ. Sau đó, cụ chuyển sang làm cho tờ Đông Pháp thời báo và sau đó là tờ Thần Chung (tên mới của Đông Pháp thời báo). Các bài viết của cụ Ngô Tất Tố trong giai đoạn này gồm các bài dịch thuật, khảo cứu, các bài bình luận thơ, văn, bài bình luận chính trị - xã hội, tản văn về đời sống văn hóa, xã hội. Chủ đề các tác phẩm báo chí của ông chủ yếu tập trung vào những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, những điều “trái tai, gai mắt” trong cách ứng xử giữa người với người, với những vấn đề thời sự nóng hổi. Thời kỳ này, cụ Ngô Tất Tố dùng các bút danh: Ngô Tất Tố, Ng.T.T., N.T.T., T.T., T., Kim Ngô.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1930 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được cho là thời kỳ hoàng kim của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố khi đánh dấu sự ra đời của nhiều tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của cụ. Trong đó có tiểu thuyết "Tắt đèn" được đánh giá là tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực 1930-1945.

Đây cũng là giai đoạn các tác phẩm của cụ xuất hiện trên khắp các mặt báo đương thời như: Phổ thông, Đông phương, Công luận, Đuốc nhà Nam, Thực nghiệp dân báo, Công dân, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Trung Bắc chủ nhật, Đông Pháp… Cụ sử dụng rất nhiều bút danh khác nhau như: Ngô Tất Tố, Thục Điểu, Thiết Khẩu Nhi, Dân Chơi, Lộc Hà, Lộc Đình, Ngoan Tiên, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhỡn, Đạm Hiên, Thuyết Hải, T.H., Xuân Trào, X.T., Hy Cừ, Cối Giang, T., T.T., v.v...

Trong lĩnh vực báo chí giai đoạn này, cụ Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại gồm tin tức, bình luận, khảo cứu, bút ký, nhưng thành công rực rỡ nhất và để lại số lượng tác phẩm lớn nhất trong di sản báo chí của cụ là tiểu phẩm và phóng sự. Cụ đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình để tố cáo và phê phán hiện thực xã hội khắc nghiệt dưới ách thống trị, áp bức của ngoại xâm và bè lũ phong kiến.

Giai đoạn thứ ba từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi cụ qua đời ngày 20/4/1954. Cụ hăng hái tham gia hoạt động cách mạng ngay ở quê hương, rồi lên chiến khu tham gia kháng chiến. Giai đoạn này, cảm hứng chủ đạo trong những tác phẩm của cụ Ngô Tất Tố là sự ngợi ca và niềm vui khi đi theo lý tưởng cách mạng.

Thời gian hoạt động cách mạng trên Việt Bắc, cụ được bầu làm Chi hội trưởng Hội Văn nghệ liên khu I, tham dự chủ tọa nhiều cuộc thảo luận về văn nghệ, văn học. Năm 1948, cụ chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, nỗ lực tham gia xây đắp nền móng cho báo chí và văn học trên chiến khu, góp phần xây dựng những số báo đầu tiên của kháng chiến như: Tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc Trung ương, báo Cứu quốc liên khu I, khu XII, Thông tin khu XII…

Bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái cụ Ngô Tất Tố và chồng bà - ông Cao Đắc Điểm trò chuyện với các hội viên Hội Nhà báo TP Hà Nội. Ảnh: AN

Bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái cụ Ngô Tất Tố và chồng bà - ông Cao Đắc Điểm trò chuyện với các hội viên Hội Nhà báo TP Hà Nội. Ảnh: AN

Tờ báo phải có tôn chỉ mục đích rõ ràng, tôn trọng độc giả

Cụ Ngô Tất Tố luôn quan niệm rằng, một tờ báo phải có một tôn chỉ để làm con đường mà đi. Tôn chỉ của báo nào cũng như người chồng của báo đó. Con gái đã nhận người nào làm chồng, theo đúng đạo đức luân lý là không thể cùng gối, chung chăn với người khác.

Tờ báo đã dùng chủ nghĩa này làm tôn chỉ thì cũng không thể bắt quàng sang chủ nghĩa khác. Báo không thể vô luận bài nào bất cứ là hay hay dở, đăng bừa đi, khác chi nhà thổ thấy ai cũng tiếp, miễn là có tiền. Theo cụ, người làm báo phải quý trọng độc giả, không được đem những tư tưởng hoang đường, văn chương thô bỉ mà công nhiên bày lên mặt báo để làm dơ mắt độc giả.

Với những đóng góp to lớn đối với sự phát triển văn học, báo chí của nước nhà, nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996). Từ năm 1994, giải thưởng báo chí hàng năm mang tên Ngô Tất Tố đã được tổ chức thường xuyên tại Hà Nội. Hội Nhà báo Hà Nội cũng đã hoàn thành 2 đề án nghiên cứu về Di sản báo chí của Ngô Tất Tố và Các công trình nghiên cứu về cụ Ngô Tất Tố.

Trong 31 năm qua, rất nhiều tác phẩm báo chí của những người làm báo Hà Nội đã được vinh danh tại giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố. Các tác phẩm phản ánh toàn diện tình hình phát triển của Thủ đô và đất nước trên mọi mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính thời sự, đồng thời nêu cao tinh thần nhân văn và tính chiến đấu, bảo vệ lẽ phải, đẩy lùi cái xấu.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn nhưng những phương châm, tư tưởng làm báo của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn lửa chỉ đường cho nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo dùng ngòi bút của mình phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của đất nước.

“Tinh thần nhân văn qua các tác phẩm văn học, báo chí của nhà văn hóa Ngô Tất Tố sẽ mãi mãi là những tải sản quý giá của nước nhà. Thành kính tưởng nhớ nhà văn hóa Ngô Tất Tố, báo chí Thủ đô sẽ mãi mãi ghi nhớ và nguyện toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh”, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phuong-cham-lam-bao-cua-nha-van-nha-bao-ngo-tat-to-van-con-nguyen-gia-tri-415629.html