'Phượng hoàng Bóng tối' - cái kết chơi vơi dành cho các X-Men
Sau 20 năm tung hoành trên màn ảnh rộng, loạt phim dị nhân của Fox chia tay khán giả bằng 'X-Men: Dark Phoenix'. Tuy nhiên, tác phẩm tỏ ra còn thiếu trọn vẹn.
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Simon Kinberg
Diễn viên chính: James McAvoy, Sophie Turner, Michael Fassbender, Jennifer Lawrence, Tye Sheridan, Alexandra Shipp, Jessica Chastain, Nicholas Hoult, Kodi-Smith McPhee
Zing.vn đánh giá: 6/10
Chuyện phim X-Men: Dark Phoenix lấy bối cảnh năm 1992, tức khoảng 9 năm sau các sự kiện trong X-Men: Apocalypse. Lúc này, nhóm X-Men của Giáo sư X (James McAvoy) đã trở thành đồng minh thân thiết của chính phủ nước Mỹ.
Trong nhiệm vụ giải cứu nhóm phi hành gia NASA gặp nạn ngoài không gian, Jean Grey (Sophie Turner) bị một thực thể vũ trụ hùng mạnh nhập vào cơ thể. Từ đây, cô nàng trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng không thể kiểm soát nguồn sức mạnh mới và trở thành mối nguy hiểm cho tất cả.
Cùng lúc này, chủng tộc ngoài hành tinh bí ẩn với khả năng biến hình do Vuk (Jessica Chastain) lãnh đạo âm thầm xâm lăng Trái đất. Chúng lên kế hoạch thao túng Jean Grey để tiêu diệt nhân loại nhằm chiếm lấy thế giới.
Cái kết có phần vội vã và gượng ép
Bộ phim có nội dung dựa trên Dark Phoenix Saga - tập truyện hoành tráng và xuất sắc về các dị nhân của Marvel. Tập phim chuyển thể trước đây cũng do chính Simon Kinberg thực hiện - X-Men: The Last Stand (2006) - từng hứng chịu vô số gạch đá vì phá hỏng hình tượng nhiều nhân vật quen thuộc.
Bên cạnh đó, X-Men: Dark Phoenix còn được xem là cái kết của các dị nhân dưới “triều đại” Fox trước khi tất cả về với Disney. Theo Kevin Feige, Marvel Studios cũng chưa có ý định đưa các X-Men trở lại màn ảnh rộng trong tương lai gần.
Tương tự Avengers: Endgame cách đây ít lâu, X-Men: Dark Phoenix trở thành lời chia tay và tri ân của nhiều nhân vật quen thuộc. Song, cái kết tỏ ra quá vội vã so với bom tấn Marvel Studios. Dường như bộ phim bị ép phải nói lời tạm biệt chỉ bởi thương vụ Disney thâu tóm Fox.
Các fan có thể dễ dàng nhận ra nhiều chi tiết được X-Men: Apocalypse tạo tiền đề đều bị ngó lơ như mối quan hệ cha con giữa Quicksilver (Evan Peters) với Magneto (Michael Fassbender), dị nhân Jubilee (Lana Condor), hay ác nhân Mister Sinister...
Sự gượng ép là cảm giác chung khi hàng loạt mâu thuẫn được nêu ra rồi giải quyết một cách chóng vánh. Với thời lượng chưa đến hai tiếng, nhiều tình tiết hay chuyển biến tâm lý nhân vật bị cắt gọn đến mức tối đa để dẫn đến cái kết càng nhanh càng tốt.
Phần cao trào tác phẩm cũng quá ngắn gọn. Thậm chí, Quicksilver chẳng có bất cứ màn “cướp sóng” nào vốn là đặc sản của hai tập gần nhất. Lẽ ra, Dark Phoenix đã có thể hấp dẫn hơn nếu đầu tư, chăm chút nhiều cho nội dung.
Bộ phim chứa đựng nhiều chi tiết nhằm tri ân thương hiệu X-Men khi Giáo sư X, Magneto và Beast (Nicholas Hoult) nhắc đến những kỷ niệm cũ từ thời X-Men: First Class (2011). Song, tất cả chỉ dừng lại ở lời thoại, mà không có bất cứ hình ảnh hay đoạn phim hồi tưởng nào.
Do đó, X-Men: Dark Phoenix tỏ ra hụt hơi trong việc tạo cảm xúc. Thậm chí, ngay cả khi một dị nhân quen thuộc phải bỏ mạng, người xem cũng khó lòng rơi nước mắt khi chuyện diễn ra quá nhanh và đơn điệu.
Bù lại, phần hành động và kỹ xảo tỏ ra rất ổn. Các trận đối đầu giữa nhóm dị nhân được dàn dựng khá tốt, từ những pha cận chiến cho đến tung siêu năng lực tầm xa. Beast, Magneto, Storm (Alexandra Snipp) hay Cyclops (Tye Sheridan) mang đến một vài pha phối hợp hành động mượt mà, đẹp mắt.
So với X-Men: The Last Stand, Jean Grey của Sophie Turner tỏ ra mạnh mẽ hơn hẳn khi dễ dàng phá hủy cả một đoàn tàu hay biến cả một khu vực rộng lớn chìm trong biển lửa.
Tuy khó so được về độ hoành tráng với X-Men: Days of Future Past (2014), nhưng tác phẩm cũng phần nào làm hài lòng các fan của thương hiệu về mảng kỹ xảo.
James McAvoy và Michael Fassbender gánh toàn bộ phần diễn xuất
Cuộc chiến giữa Giáo sư X và Magneto luôn là chi tiết then chốt xuyên suốt 12 tập phim về các dị nhân. Kể từ X-Men: First Class, hai nhân vật dưới diễn xuất của James McAvoy và Michael Fassbender được khai thác sâu với góc nhìn đa chiều hơn trước.
Charles Xavier không còn là vị giáo sư thông thái và nhẹ nhàng như Patrick Stewart nữa. Anh cũng có những nỗi đau rất con người khi mất hết ý chí và trở nên bê tha trong X-Men: Days of Future Past. Erik Lehnsherr không còn là ác nhân một chiều của Ian McKellen, mà chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp hơn là bảo vệ giống loài dị nhân.
X-Men: Dark Phoenix tiếp tục làm tốt nhiệm vụ khai thác mặt tối ấy. Sau quá nhiều cuộc chiến, Giáo sư X dần chìm đắm trong hòa bình và ánh hào quang “ảo” với con người mà quên mất mối nguy hiểm dành cho các dị nhân. Chính sự cố chấp, kiêu ngạo khi không bao giờ nhận sai của anh đã góp phần rất lớn vào thảm họa trong phim.
Trong khi đó, Magneto lại luôn hết lòng bảo vệ và chiến đấu vì sự bình yên của các dị nhân. Song, anh chưa bao giờ quên được nỗi đau và sự thù hận trong quá khứ nên luôn chọn cách giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực.
Hai tài tử tiếp tục thể hiện xuất sắc nhiệm vụ bằng biểu cảm và chuyển biến nội tâm ấn tượng xuyên suốt thời lượng phim. Họ có thể khiến người xem phẫn nộ vì những quyết định sai lầm, nhưng cũng dễ dàng tạo được sự đồng cảm sâu sắc.
Điểm yếu của bộ phim nằm ở nữ chính Sophie Turner. Nàng Sansa của Game of Thrones tỏ ra non nớt trước một vai diễn đòi hỏi chiều sâu như Jean Grey. Trở thành trung tâm câu chuyện với nhiều chuyển biến và giằng xé nội tâm, nhưng nét mặt của Sophie Turner hiếm khi thay đổi xuyên suốt thời lượng phim.
Trong khi đó, tuyến phản diện của Jessica Chastain rất ít đất diễn và chẳng có vai trò cụ thể. Chủng tộc D’Bari có mục đích hành động cụ thể, nhưng kế hoạch lại quá mơ hồ và dễ dàng bị phá tan.
Nhìn chung, X-Men: Dark Phoenix chưa phải là cái kết xứng đáng so với 20 năm xây dựng và phát triển của các dị nhân. Song, bộ phim vẫn đáng để thưởng thức, nhất là với những ai đã gắn bó cả tuổi trẻ với thương hiệu X-Men.
Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa X-Men: Phượng hoàng Bóng tối.