Phương Mỹ Chi gây sốt khi đưa cải lương Việt Nam lên sân khấu quốc tế

Lần đầu tiên, khán giả quốc tế được chứng kiến sự hòa quyện giữa cải lương Việt Nam và hí kịch Trung Quốc trong một tiết mục âm nhạc đậm chất Á Đông. Nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi đã cùng nữ ca sĩ Khả Lâu tạo nên phần trình diễn 'Túy Âm và Lục Hải Vi Vương' khiến sân khấu Sing! Asia 2025 tại trạm Thượng Hải thực sự bùng nổ.

Màn kết hợp bùng nổ của Phương Mỹ Chi - Khả Lâu trên sân khấu bán kết 1 Sing! Asia 2025. Ảnh: Nhóm DTAP

Màn kết hợp bùng nổ của Phương Mỹ Chi - Khả Lâu trên sân khấu bán kết 1 Sing! Asia 2025. Ảnh: Nhóm DTAP

Tại vòng bán kết 1 phát sóng tối 11/7, Phương Mỹ Chi và Khả Lâu cùng nhau kể câu chuyện về hai nữ tướng từ hai nền văn hóa lớn bằng âm nhạc. Đặc biệt, Phương Mỹ Chi khiến nhiều khán giả nổi da gà khi đưa câu vọng cổ trong Tiếng trống Mê Linh – một tác phẩm cải lương kinh điển hòa vào phần phối mang màu sắc điện tử ma mị của ca khúc “Túy âm” và khí chất “nữ vương” từ “Lục Hải Vi Vương”.

Chia sẻ trên trang cá nhân, Phương Mỹ Chi viết: “Lần đầu tiên tôi mang cải lương Việt Nam và hí kịch Trung Quốc cùng cất tiếng trên sân khấu quốc tế. Hai nét văn hóa riêng biệt nhưng lại cùng nhau tỏa sáng. Tôi thật sự tự hào khi được góp mặt trong màn kết hợp này”.

Theo ê-kíp DTAP - nhóm sáng tạo và sản xuất âm nhạc cho tiết mục – bản mashup là sự hòa quyện giữa những “nét đẹp văn hóa đặc trưng” của hai quốc gia, mang tinh thần kết nối trong không gian âm nhạc quốc tế. “Đây không chỉ là một phần thi, mà là hành trình kể chuyện bằng âm nhạc giữa hai nền văn hóa. Một cuộc gặp gỡ như được định sẵn” - đại diện nhóm DTAP khẳng định.

Dưới góc nhìn của khán giả và giới chuyên môn, tiết mục không chỉ là bản phối lại đơn thuần mà là “sự tái sinh của cảm xúc”, nơi nhịp trống gợi nhịp tim say, tiếng đàn như sóng ký ức trôi ngang, tạo được dấu ấn đậm nét.

Theo thể thức thi đấu của Sing! Asia 2025, bán kết được chia thành hai vòng đấu loại trực tiếp. Ở vòng bán kết 1 (11/7), 10 thí sinh được chia làm 5 cặp. Mỗi cặp tự lên ý tưởng, sáng tác và trình diễn một tiết mục kết hợp. Hai thí sinh có điểm số thấp nhất sẽ bị loại, chỉ 8 người đi tiếp vào bán kết 2 (18/7) để tranh 5 suất vào chung kết.

Trước đó, Phương Mỹ Chi ghi dấu ấn nổi bật trong vòng tứ kết với phần trình diễn “Bóng phù hoa”, sử dụng kỹ thuật hát nốt cao uyển chuyển, được giám khảo đánh giá là “đỉnh nóc kịch trần”. Cô giành chiến thắng áp đảo 15-6 trước đối thủ nặng ký Hoàng Linh và khẳng định ca sĩ thực lực và sự biến hóa không giới hạn.

Từ việc Phương Mỹ Chi đưa cải lương, loại hình sân khấu truyền thống từng được coi là kén khán giả lên sân khấu quốc tế không chỉ mang đến thành công cá nhân mà còn mang ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa và kinh tế. Việc quảng bá bản sắc nghệ thuật dân gian Việt Nam thông qua cuộc thi mang tính toàn cầu như Sing! Asia giúp nâng cao vị thế của ngành công nghiệp văn hóa nước nhà trên bản đồ khu vực.

Cùng với sự sáng tạo công nghệ sản xuất âm nhạc hiện đại từ nhóm DTAP, màn trình diễn là minh chứng cho khả năng xuất khẩu giá trị văn hóa, điều từng được UNESCO và nhiều chuyên gia văn hóa nhận định là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế tri thức.

Từ “hiện tượng dân ca” của miền Tây trong “Quê em mùa nước lũ”, Phương Mỹ Chi đang trở thành đại diện văn hóa đương đại của Việt Nam, một nghệ sĩ trẻ biết cách làm mới truyền thống, không đánh mất cốt lõi và biết tận dụng các nền tảng quốc tế để lan tỏa giá trị dân tộc.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phuong-my-chi-gay-sot-khi-dua-cai-luong-viet-nam-len-san-khau-quoc-te-424557.html