Phường Ninh Diêm (Ninh Hòa): : Giữ nghề làm bánh tráng, bánh khoai
Nghề làm bánh tráng, bánh khoai lang đã có từ lâu ở phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa). Trải qua nhiều thăng trầm, 2 nghề này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, vì làm thủ công vất vả nên hiện nay chỉ còn một số ít hộ giữ nghề.
“Giữ lửa” nghề làm bánh tráng
Nghề làm bánh tráng đã tồn tại gần 100 năm tại phường Ninh Diêm. Bánh tráng ở đây thường được gọi là bánh tráng biển. Gia đình bà Lê Thị Ngọc Linh (sinh năm 1984, trú Tổ dân phố Phú Thọ 3) đã có 4 đời làm bánh tráng. Bà Linh cho biết, gạo để làm bánh có độ bóng, nở xốp và dẻo. Mỗi ngày, gia đình bà làm khoảng 30kg gạo, vào mùa Tết làm từ 50 đến 80kg/ngày. Để làm ra chiếc bánh tráng có độ giòn và dẻo phải trải qua nhiều công đoạn: Ngâm gạo đem đi xay thành bột; pha bột; tráng bánh bằng khuôn. Bà thắng nước đường trộn vào bột để tạo màu vàng cho bánh. Bánh nguội, bà trải lên vỉ, đem đi phơi nắng. Bánh sau khi phơi khô được hơ qua lò lửa nhỏ, cắt gọt lại cho đều nhau và xếp thành từng chục đem đi bán. Với 30kg gạo, mỗi ngày bà Linh tráng được khoảng 700 cái bánh. Lấy công làm lời, mỗi ngày, mẹ con bà thu nhập khoảng 500.000 đồng.
Bánh tráng Ninh Diêm có nhiều loại, như: Bánh nhúng, bánh nướng, bánh mè… với giá bán từ 2.500 đến 6.000 đồng/cái tùy theo loại. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, các sản phẩm còn được bán ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng...; được kiều bào mang đi các nước. Tuy nhiên, vì công việc vất vả nên hiện nay chỉ còn 10 hộ làm nghề. Bà Linh chia sẻ: “Làm bánh tráng không chỉ thức khuya dậy sớm, phụ thuộc vào thời tiết mà đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ trong từng khâu. Ngồi hàng giờ liền bên cạnh lò lửa nóng tráng bánh cực quá nên nhiều người đã bỏ nghề. Bánh tráng làm thủ công cũng gặp khó vì không cạnh tranh nổi với bánh tráng làm bằng máy có giá thành rẻ hơn. Hiện nay, tôi vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống, nhưng cũng lo sau này không có người nối nghiệp”.
Kỳ công làm bánh khoai lang
Ngày trước, ngoài làm muối, người dân Ninh Diêm còn trồng khoai lang. Vì vậy, nghề làm bánh khoai lang cũng xuất hiện ở đây hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, đất canh tác ngày càng hạn hẹp nên người dân phải mua khoai lang ở Đắk Lắk, Lâm Đồng về làm bánh. Bà Châu Thị Hiệp (sinh năm 1957, trú Tổ dân phố Thạnh Danh) cho biết, 12 tuổi bà đã phụ mẹ làm và phơi bánh khoai lang. Sau này, lớn lên có gia đình riêng, bà làm nghề biển, rồi mới quay lại nghề này cách đây 8 năm. Người làm bánh khoai lang phải trải qua nhiều công đoạn mới cho ra được chiếc bánh vàng ươm, tròn trịa và thơm ngon. Khoai lang làm bánh là khoai ruột vàng, nhiều bột. Khoai được luộc chín, lột vỏ, sau đó xay nhuyễn rồi cho thêm đường, gừng vào trộn đều. Nếu khách yêu cầu, bà còn bỏ thêm mè vào bột khoai. Người dân dùng một cọng tre mỏng uốn cong thành hình tròn rồi dán vào tấm gỗ lớn để làm khuôn bánh; lót một tấm vải sạch lên trên, cho bột bánh vào rồi tráng bánh đều tay. Sau đó, cho bánh lên vỉ đem đi phơi từ 5 đến 6 giờ dưới trời nắng, rồi gỡ bánh, chia từng ký để bán. Mỗi ngày, gia đình bà Hiệp làm khoảng 80kg khoai, cho ra 40kg bánh với giá bán 40.000 đồng/kg, bánh có mè giá 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mẹ con bà kiếm được 400.000 đồng/ngày. Bánh làm ra được đem đi tiêu thụ ở chợ Đầm, chợ Vĩnh Hải, chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang); TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hoặc gửi đi nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, gia đình bà xuất bán từ 200 đến 400kg bánh. Bánh khoai lang có thể ăn liền, nướng hoặc chiên. Công việc này đòi hỏi người làm phải chịu khó, chịu khổ nên còn rất ít người làm. Bà làm chủ yếu để giữ nghề, lấy công làm lời kiếm tiền lo cho gia đình.
Bà Đặng Thị Minh Thư - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Diêm cho biết, để hỗ trợ người dân, vào tháng 6-2015, hội đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng với 10 hộ tham gia. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm làm bánh, các hộ còn hỗ trợ vốn, nguyên liệu cho nhau trong quá trình làm nghề. Còn bánh khoai lang hiện nay chỉ còn 5 hộ làm. Nghề này có khả năng mai một nếu không có lớp người kế cận. Vì vậy, địa phương vẫn đang cố gắng hỗ trợ người dân giữ nghề bằng cách giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, phiên chợ nông sản trong tỉnh để người tiêu dùng biết đến. Đồng thời, hỗ trợ các hộ vay vốn từ ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất.