Phương pháp làm đẹp phụ nữ mang thai không nên làm

Tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú chưa được nghiên cứu rộng rãi.

 Phụ nữ cần có kiến thức về sự an toàn của thủ thuật được thực hiện trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Ảnh: Triplex.

Phụ nữ cần có kiến thức về sự an toàn của thủ thuật được thực hiện trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Ảnh: Triplex.

Việc chăm sóc ngoại hình khi mang thai ngày càng được nhiều mẹ bầu quan tâm. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần có kiến thức về sự an toàn của thủ thuật được thực hiện trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể vô tình thực hiện một số thủ thuật thẩm mỹ trong tam cá nguyệt đầu tiên, trước khi bệnh nhân biết việc mang thai.

Tiêm botox

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, cho biết botox (botulinum toxin) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong y khoa. Vì vậy, việc tiếp xúc vô tình với botox trong thai kỳ cũng phổ biến hơn. Hiện không có thử nghiệm đối chứng nào đánh giá việc sử dụng botox trong thai kỳ.

"Người ta cho rằng trọng lượng phân tử lớn của onabotulinum toxin khiến nó khó có thể truyền qua nhau thai. Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu các nghiên cứu tương tự về việc sử dụng abobotulinum và incobotulinum toxin trong thời kỳ mang thai", bác sĩ Thảo Nhi nói.

Trong các tài liệu về thần kinh học, một số báo cáo đã về việc sử dụng onabotulinum toxin ở phụ nữ có thai với chỉ định thích hợp. Một phụ nữ 26 tuổi mắc chứng loạn trương lực cổ tử cung vô căn đã được điều trị liên tục với 300 IU onabotulinum toxin mỗi 3-6 tháng trong suốt 4 lần mang thai. Tất cả lần mang thai đều không có biến chứng và con không có tác dụng phụ nào trong 5 năm theo dõi.

 Việc chăm sóc ngoại hình khi mang thai ngày càng được nhiều mẹ bầu quan tâm, bởi không ai muốn mình trở nên "xuống cấp". Ảnh: Mjakmama24.

Việc chăm sóc ngoại hình khi mang thai ngày càng được nhiều mẹ bầu quan tâm, bởi không ai muốn mình trở nên "xuống cấp". Ảnh: Mjakmama24.

Một bệnh nhân khác có chỉ định thần kinh được tiêm 200 IU onabotulinum toxin khi thai được 2 tuần và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Trong một cuộc khảo sát với 396 bác sĩ chuyên khoa thần kinh, 12 người cho biết đã tiêm cho tổng số 16 phụ nữ mang thai, hầu hết được điều trị trong tam cá nguyệt đầu tiên, trong đó 14 phụ nữ sinh con đủ tháng mà không có biến chứng. Một phụ nữ bị sẩy thai có tiền sử sẩy thai tự nhiên trước đó. Một người khác phá thai do lý do riêng không liên quan việc tiêm botox.

Theo bác Thảo Nhi, mặc dù sự an toàn của việc sử dụng onabotulinum toxin được báo cáo trong các nghiên cứu trước đó, vẫn một số báo cáo ca bệnh khác cho thấy tác dụng phụ. Một phụ nữ 34 tuổi nhận được 500 IU điều trị loạn trương lực cổ tử cung khi mang thai đôi được 4 tuần, sẩy thai đã xảy ra ở tuần thứ 10, các loại thuốc khác được sử dụng đồng thời bao gồm benztropine, clonazepam và fluoxetine, có tiền sử sẩy thai một lần trước lần mang thai này.

Mối liên quan giữa việc tiêm onabotulinum và sẩy thai là không rõ ràng, bởi vì tất cả phụ nữ bị sẩy thai sau khi tiêm thuốc đều có tiền sử sẩy thai trước đó. Tuy nhiên, người phụ nữ này nhận được một liều độc tố onabotulinum lớn hơn nhiều (500 IU) so với trường hợp khác được báo cáo trong y văn. Do đó, việc sử dụng onabotulinum toxin trong thời kỳ mang thai vẫn còn gây tranh cãi trong da liễu và thần kinh. Liều cao của onabotulinum toxin (> 600 IU) cũng có liên quan đến yếu cơ hệ thống.

Filler

Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta không có báo cáo ca bệnh nào về kết quả của phụ nữ mang thai và con cái của họ sau khi sử dụng axit hyaluronic (HA - thành phần có trong filler), axit poly-L-lactic, canxi hydroxylapatite hoặc chất làm đầy collagen trong thời kỳ mang thai. HA là một thành phần có trong cơ thể, nên nó có thể sử dụng an toàn trong thời kỳ mang thai về mặt lý thuyết.

Mặc dù vậy, các nhà sản xuất HA đều đồng thuận nên tránh sử dụng chất làm đầy trong thời kỳ mang thai vì thiếu nghiên cứu. Các sản phẩm HA trộn với lidocain cũng không gây ra nguy cơ biến chứng nhưng nguy cơ vô ý tiêm vào động mạch là rất đáng lo ngại. Lidocain có nguy cơ gây tổn thương tim mạch nếu tiêm trực tiếp vào hệ tuần hoàn.

Cấy mỡ tự thân

"Cấy mỡ tự thân là thủ thuật lấy chất béo từ một phần của cơ thể và di chuyển nó đến một khu vực khác. Trong thời kỳ mang thai, thai nhi ngày càng phát triển khiến nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên. Việc loại bỏ chất béo, dù chỉ để chuyển nó đến một khu vực khác trong cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi", bác sĩ Thảo Nhi cho biết.

Bác sĩ này nhấn mạnh các nguy cơ thuyên tắc mỡ và tắc mạch cũng cần được xem xét cẩn thận. Vì vậy, cấy mỡ tự thân không được khuyến khích trong thai kỳ.

Ngoài ra, sự phân bố lại chất béo sinh lý trong và sau khi mang thai có thể làm thay đổi vẻ ngoài thẩm mỹ và sự hài lòng của người phụ nữ. Phụ nữ nên đợi cho đến khi cân nặng của họ đã ổn định sau sinh để thực hiện cấy mỡ tự thân.

Triệt lông

Triệt lông vĩnh viễn bằng laser hoặc điện phân thường không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai do thiếu dữ liệu an toàn. Chúng ta mối lo ngại về ảnh hưởng của điện phân vì nước ối có các thành phần ion dẫn điện. Bệnh nhân được khuyến cáo điều trị rậm lông bằng các loại kem tẩy lông, wax lông trong thời kỳ mang thai.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-phap-lam-dep-phu-nu-mang-thai-khong-nen-lam-post1374231.html