Phương pháp mới tìm sự sống ngoài hành tinh

Trên tạp chí Nature Astronomy (Anh), các nhà khoa học mô tả phương pháp mới tìm kiếm oxy trong khí quyển các ngoại hành tinh. Phương pháp này được cho là hữu ích trong tìm kiếm các ngoại hành tinh mà ở đó sự sống có thể tồn tại.

Kính viễn vọng không gian James Webb

Theo các nhà khoa học, phương pháp mới giúp nhận diện dễ dàng các ngoại hành tinh có những điều kiện gần giống như trên Trái đất, từ đó có thể thúc đẩy việc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ.

Phương pháp mới dựa trên việc phát hiện các tín hiệu phát ra vào thời điểm các phân tử oxy va chạm với nhau trong khí quyển ngoại hành tinh. Phương pháp này được áp dụng trong quá trình quan sát của Kính viễn vọng không gian James Webb (sẽ được khởi động vào năm 2021).

Kính James Webb phục vụ quan sát trong dải hồng ngoại. Nó sẽ thay thế Kính viễn vọng không gian Hubble. Kính James Webb có khả năng “nhìn sâu” vào khí quyển các ngoại hành tinh nhằm tóm bắt các tín hiệu nói trên. Các nhà khoa học mong muốn sử dụng kính viễn vọng không gian mới để quan sát các ngoại hành tinh với các điều kiện gần giống Trái đất.

Tín hiệu đặc trưng phát ra khi các phân tử oxy va chạm với nhau sẽ giúp các nhà khoa học nhận định trên hành tinh đang khảo sát có sự sống hay không. Trong trường hợp nghi ngờ, rằng trong khí quyển ngoại hành tinh có một lượng lớn oxy, thì các nhà khoa học sẽ tiếp tục thực hiện các quan sát kỹ lưỡng hơn.

“Cho đến nay, người ta cho rằng, việc phát hiện oxy trong khí quyển ngoại hành tinh với hàm lượng như trên Trái đất bằng Kính James Webb là bất khả thi” – Nhà khoa học Thomas Fauchez, một trong các tác giả bài báo khoa học đăng tải trên Nature Astronomy cho biết như vậy.

“Tín hiệu do các phân tử oxy va chạm vào nhau phát ra đã được biết đến từ những năm 80 thế kỷ trước, nhờ các nghiên cứu về khí quyển Trái đất. Tuy nhiên, cho đến nay người ta không để ý đến nó trong quá trình nghiên cứu các ngoại hành tinh” – ông Thomas Fauchez nói thêm.

Các phân tử oxy khi va chạm với nhau sẽ ngăn cản bức xạ hồng ngoại do kính viễn vọng phát ra, đồng thời tạo thành hình mẫu trong quang phổ quan sát được, từ đó các nhà khoa học có thể xác định được thành phần khí quyển ngoại hành tinh. Phát triển phương pháp mới để tìm kiếm oxy trong khí quyển ngoại hành tinh, các nhà nghiên cứu xác định được lượng ánh sáng do các va chạm phân tử oxy ngăn cản.

“Oxy là một trong các phân tử hoạt động mạnh nhất mà chúng ta có thể khám phá. Oxy có liên quan đến sự sống, tuy nhiên chúng ta không biết có phải sự sống chỉ xuất hiện khi có oxy trong khí quyển hay không. Công nghệ hiện nay giúp chúng ta phát hiện oxy trên các hành tinh có sự sống và cả trên các hành tinh không có sự sống” - nhà khoa học Edward Schwieterman, một tác giả khác của bài báo cho biết như vậy.

Theo Tuấn Sơn -Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phuong-phap-moi-tim-su-song-ngoai-hanh-tinh-4059208-b.html