Phương pháp phát hiện người nhiễm virus chủng mới tại Việt Nam

Việt Nam đang áp dụng hai phương pháp xét nghiệm người nhiễm SARS-CoV-2 là sinh học phân tử rRT-PCR và kháng thể (huyết thanh học).

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 đã lan ra gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19 do nhiễm biến chủng B117 từ Anh. Điều này khiến ổ dịch Covid-19 tại Việt Nam bùng phát nhanh, lan ra nhiều nơi.

Công tác truy vết, xét nghiệm trở thành yếu tố quan trọng trong việc truy tìm người nhiễm SARS-CoV-2, nhất là khi nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Theo Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam đang triển khai hai phương pháp xét nghiệm tìm người nhiễm virus. Đó là xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học).

Xét nghiệm rRT-PCR

Xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là phương pháp xác định virus SARS-CoV-2 có hiện diện hay không, thông qua phát hiện vật liệu di truyền của nó. Cơ chế của nó là tìm ra đoạn gen RNA của virus (kháng nguyên) có trong mẫu, lấy từ phết mũi họng hoặc những vùng khác của đường hô hấp như phết họng, dịch rửa phế quản, nước bọt.

Đây được xem là phương pháp có độ chính xác cao. CDC khuyến cáo xét nghiệm rRT-PCR là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán Covid-19.

Với phương pháp này, chúng ta có thể phát hiện được virus từ ngày đầu tiên của triệu chứng. Nó có độ nhạy nhất trong vòng tuần đầu tiên sau khi người nhiễm có triệu chứng.

Tỷ lệ dương tính giảm dần đến tuần thứ 3 và sau đó không thể phát hiện được, ngoại trừ ở một số bệnh nhân nặng. Một vài trường hợp có thể phát hiện được RNA virus đến tuần thứ 6 sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR tại Chí Linh, Hải Dương vào cuối tháng 1. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR tại Chí Linh, Hải Dương vào cuối tháng 1. Ảnh: Thạch Thảo.

Xét nghiệm realtime RT-PCR có thể cho ra kết quả trong khoảng 4-6 giờ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, kết quả cần khoảng 1 ngày để có thể trả lại người xét nghiệm.

Dựa trên kết quả, các bác sĩ có thể tiên lượng tiến triển bệnh cũng như đánh giá được hiệu quả trị liệu.

Theo tài liệu của Bộ Y tế, độ nhạy của RT-PCR là 99% và độ đặc hiệu là 100%. Điều này gần đồng nghĩa với việc tỷ lệ dương tính giả (xét nghiệm dương tính, nhưng không có bệnh) gần như bằng 0.

Trường hợp âm tính giả (xét nghiệm kết quả âm tính, nhưng có bệnh) chủ yếu là do thời gian lấy mẫu không phù hợp với diễn tiến bệnh hoặc thiếu sót trong kỹ thuật lấy mẫu, đặc biệt là phết mũi họng.

Xét nghiệm kháng thể

Kháng nguyên sinh ra khi có thể bị virus xâm nhập. Xét nghiệm kháng nguyên là chẩn đoán nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (kháng nguyên) SARS-CoV-2 có trong một mẫu dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh.

Kháng thể là các protein đặc biệt (IgM, IgG) mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thông thường, sau khi nhiễm bệnh, phải mất một thời gian để cơ thể sản sinh ra các kháng thể và có thể phát hiện được trong máu.

Hiện nay, Việt Nam sử dụng 2 loại xét nghiệm tìm kháng thể, đó là:

- Định lượng nồng độ kháng thể IgM và IgG trong máu, trung bình phải mất 1-5 giờ để có kết quả nồng độ kháng thể trong máu.

- Xét nghiệm nhanh hay test nhanh: Định tính kháng thể, tương tự que thử thai. Kỹ thuật này đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh. Chỉ cần 15-20 phút đã cho kết quả có hay không có kháng thể.

 Trung bình, mẫu xét nghiệm theo phương pháp rRT-PCR mất 4-6 giờ trong phòng thí nghiệm mới cho ra kết quả âm tính hay dương tính. Ảnh: Duy Hiệu.

Trung bình, mẫu xét nghiệm theo phương pháp rRT-PCR mất 4-6 giờ trong phòng thí nghiệm mới cho ra kết quả âm tính hay dương tính. Ảnh: Duy Hiệu.

Xét nghiệm này quan trọng với cộng đồng, tuy nhiên, nó không dùng để chẩn đoán một người có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Đặc biệt, test nhanh nếu làm quá sớm có thể cho kết quả âm tính giả vì cơ thể chưa đủ kháng thể. Nếu làm muộn, kết quả nhiều khả năng bị dương tính giả, nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Làm test đúng lúc cũng chưa chắc đã có thể khẳng định được sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không. Do đó, chúng ta cần phải làm thêm xét nghiệm rRT-PCR để tìm virus SARS-CoV-2.

Cũng vì thế, các cơ quan y tế đều ưu tiên thực hiện xét nghiệm axit nucleic (rRT-PCR) để phát hiện người nhiễm virus, nhất là biến chủng mới, một cách chính xác nhất.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới"

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 522 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán này.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-phap-phat-hien-nguoi-nhiem-virus-chung-moi-tai-viet-nam-post1183019.html