Phường Sơn Tây: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Sơn Tây được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thịnh, Ngô Quyền, Viên Sơn, xã Đường Lâm; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Hưng, Sơn Lộc và một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Thanh Mỹ (thuộc thị xã Sơn Tây).
Lý do lấy tên phường Sơn Tây bởi Sơn Tây thường gọi là Xứ Đoài là vùng đất cổ của người Việt, một trong bốn trọng Trấn ở phía tây thành Thăng Long xưa và bao trùm một phần các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình và Tuyên Quang ngày nay. Xứ Đoài được gọi là đất Tổ, có kinh đô của các Vua Hùng, xưa thuộc ba Bộ: Văn Lang, Phúc Lộc và Chu Diên.
Theo đó, tên gọi là phường Sơn Tây có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và giữ được nét đặc sắc của văn hóa xứ Đoài; bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Sơn Tây.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Sơn Tây
Phường Sơn Tây giáp phường Tùng Thiện và các xã: Phúc Thọ, Quảng Oai, Phúc Lộc của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Phường Sơn Tây có diện tích tự nhiên 23,08 km²; quy mô dân số là 71.301 người.
Phường Sơn Tây được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thịnh, Ngô Quyền, Viên Sơn, xã Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Hưng, Sơn Lộc (thuộc thị xã Sơn Tây); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Thanh Mỹ (thuộc thị xã Sơn Tây), trong đó:
Phường Ngô Quyền (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 2,09 km²; Quy mô dân số: 26.280
Phường Phú Thịnh (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 2,59 km²; Quy mô dân số: 8.209
Phường Viên Sơn (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 2,93 km²; Quy mô dân số: 7.809
Phường Trung Hưng (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 4,94 km²; Quy mô dân số: 9.723
Phường Sơn Lộc (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 0,68 km²; Quy mô dân số: 5.017
Xã Thanh Mỹ (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 1,95 km²; Quy mô dân số: 2.278
Xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 7,90 km²; Quy mô dân số: 11.985
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Sơn Tây
Phường Sơn Tây nằm trên trục giao thông nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc qua các tuyến đường như: quốc lộ 21A, quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh. Việc hợp nhất cả khu vực làng cổ Đường Lâm - Di sản văn hóa Quốc gia - cùng với các phường nội đô lịch sử như Sơn Lộc, Phú Thịnh không chỉ mở rộng ranh giới hành chính mà còn tích hợp các yếu tố văn hóa, du lịch, quân sự và đô thị hiện đại. Đây là lợi thế nổi bật, giúp tăng khả năng phối hợp giữa khu dân cư truyền thống với các vùng phát triển mới.
Phường Sơn Tây giữ vai trò cầu nối giữa đô thị trung tâm Hà Nội với vùng trung du phía Tây Bắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững và lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử vùng Thủ đô.
Đặc điểm kinh tế phường Sơn Tây
Phát triển kinh tế hỗn hợp: dịch vụ - thương mại đô thị kết hợp với sản xuất nông nghiệp sạch và du lịch làng cổ.
Phường Sơn Tây có cơ cấu kinh tế đặc biệt vì hội tụ cả khu vực đô thị và khu vực nông nghiệp - làng nghề truyền thống.
Phường có lợi thế từ các khu vực đô thị trung tâm cũ như Ngô Quyền, Phú Thịnh, Viên Sơn, Trung Hưng, Sơn Lộc vốn là trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ của thị xã Sơn Tây trước đây. Tại đây tập trung nhiều chợ đầu mối, siêu thị, hệ thống ngân hàng, trường học, bệnh viện, các dịch vụ hậu cần và giao thông nội vùng phát triển mạnh. Kinh tế ở khu vực này mang tính chất đô thị hiện đại, năng động và tiêu dùng cao. Trong khi đó, Thanh Mỹ nổi bật với các hoạt động nông nghiệp sạch, mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực này còn có tiềm năng lớn để mở rộng du lịch nông nghiệp và kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản với nội đô.
Du lịch di sản, du lịch cộng đồng và làng nghề truyền thống là thế mạnh vượt trội của xã Đường Lâm. Làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích quốc gia thu hút hàng trăm nghìn lượt khách/năm. Đường Lâm còn nổi tiếng với các sản phẩm như tương, chè lam, bánh gai,… đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Lợi thế về vị trí giao thông với sự hiện diện của các trục giao thông quan trọng như: quốc lộ 21A, quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Sơn Tây
Phường Sơn Tây là không gian kết tinh giữa đô thị hóa hiện đại và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc bậc nhất của vùng xứ Đoài, mang đậm bản sắc văn hóa vùng gò đồi trung du Bắc Bộ.
Trong đó, làng cổ Đường Lâm là “hạt nhân văn hóa” của phường Sơn Tây, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2005, là “địa chỉ đỏ” về du lịch di sản và làng cổ truyền thống.
Phường hội tụ các công trình di tích lịch sử lâu đời, được công nhận di tích cấp Quốc gia như: đền Và (Đông Cung), chùa Trì (Liên Hoa tự) ở Trung Hưng, đình Phù Sa ở Viên Sơn; đền Phùng Hưng, đền Ngô Quyền, Lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, đình Mông Phụ, chùa Mía, đình Đoài Giáp, Làng cổ Đường Lâm ở Đường Lâm; đình Thanh Vị ở Thanh Mỹ .
Trong đó, chùa Mía là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất xứ Đoài, được xây dựng từ thế kỷ XVII với hơn 200 pho tượng Phật cổ, mang giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng sâu sắc, được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1964; đền Và (Đông Cung) thờ Đức Thánh Tản Viên - một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1964,…
Những công trình này là nơi khơi nguồn niềm tự hào dân tộc, văn hóa làng Việt và truyền thống hiếu học, yêu nước. Bên cạnh đó, đình, chùa, miếu mạo và lễ hội truyền thống phong phú ở cả Đường Lâm, Phú Thịnh, Viên Sơn,… đã góp phần gìn giữ tín ngưỡng bản địa như thờ Thành hoàng làng, thờ Mẫu, lễ hội rước đình, giỗ tổ.
Đời sống người dân gắn kết, mang đậm bản sắc vùng gò đồi Sơn Tây với truyền thống yêu nước, nhiều danh nhân khoa bảng và hoạt động văn hóa - thể thao quần chúng sôi nổi, đặc biệt tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Phường Sơn Tây là đơn vị hành chính mới mang trong mình nền tảng đô thị hóa mạnh mẽ nhưng vẫn bảo tồn được chiều sâu văn hóa - lịch sử. Đây là mô hình phường mang tính biểu tượng về sự kết hợp giữa hiện đại hóa và gìn giữ di sản, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và xây dựng đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội.
Phường Sơn Tây có hệ thống y tế phát triển, đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe cho dân cư. Các trạm y tế cơ sở trên địa bàn phường hiện đang từng bước được điều chỉnh, nâng cấp, giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, khám sức khỏe định kỳ, phòng chống dịch bệnh và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Người dân phường Sơn Tây cũng có thể tiếp cận nhanh Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây và Bệnh viện Quân y 105 khi cần khám chữa bệnh chuyên sâu.
Về giáo dục, Sơn Tây có nhiều trường học ở các cấp học khác nhau, có hệ thống giáo dục phát triển với một số trường học đạt chuẩn quốc gia như Trường THCS Viên Sơn, Trường Mầm non Phú Thịnh. Ngành giáo dục phường Sơn Tây chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, tư duy,… Ngoài ra, các trường học trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục.
● Trụ sở Đảng ủy phường Sơn Tây: Số 5 Trưng Vương, phường Sơn Tây (địa chỉ cũ: số 5 Trưng Vương, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây)
● Trụ sở UBND phường Sơn Tây- Số 01, phố Phó Đức Chính, phường Sơn Tây (địa chỉ cũ: số 01, phố Phó Đức Chính, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây)
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Sơn Tây: đồng chí Ngô Đình Ngũ.
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Sơn Tây: đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương.
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Sơn Tây: đồng chí Hứa Đức Tuấn.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây