Phường tại TP.HCM có 120.000 dân nhưng không có trường ngoài công lập nào
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, hiện chỉ có 40% số học sinh tiểu học, 20% số học sinh trung học cơ sở của quận học 2 buổi.
Với dân số vào khoảng hơn 1 triệu người, kể cả người dân nhập cư, nhiều năm nay, quận Bình Tân luôn là điểm nóng với tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó kéo theo tình trạng học sinh ở các bậc học, cấp học tăng cao, trường lớp xây không kịp đáp ứng với tình hình thực tế.
Chỉ có 20% học sinh trung học cơ sở của quận được học 2 buổi/ngày
Theo báo cáo mới nhất của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, dự kiến số học sinh trong năm học 2022 – 2023 là 122.362 em, tăng 9.491 em ở cả hệ công lập và ngoài công lập.
Trong đó, mầm non tăng 7.062 học sinh, trung học cơ sở tăng 2.778 học sinh. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, số lượng học sinh bậc tiểu học trên địa bàn quận trong năm học tới này là 57.082 em, chủ yếu vẫn học ở công lập.
Quận Bình Tân vẫn đảm bảo đủ chỗ học tiểu học cho con em cư trú trên địa bàn quận, với sĩ số là 42,2 học sinh/lớp. Năm học sắp tới, có 10.372 cháu vào học lớp 1, không phân biệt nơi cư trú.
Đối với học sinh bậc trung học cơ sở, số lượng học sinh của quận là 35.372 em, được bố trí vào học tại các trường công và ngoài công lập trên địa bàn quận, đảm bảo chỗ học cho toàn bộ con em học sinh cư trú trên địa bàn, với sĩ số bình quân là 43,5 học sinh/lớp. Năm học tới có 10.259 học sinh của quận vào lớp 6.
Toàn bộ quận Bình Tân có 62 trường từ mầm non đến trung học cơ sở, trong đó tiểu học có 24 trường và trung học cơ sở có 14 trường công lập, nhiều năm nay, quận Bình Tân vẫn tiếp tục đảm bảo chỗ học đầy đủ cho tất cả các em học sinh, kể cả học công lập và ngoài công lập.
Là một địa bàn có rất đông công nhân, nhưng các chung cư (dưới 2.000 căn) được xây trên địa bàn quận luôn có trường hay nhóm lớp mầm non kèm theo. Còn với chung cư (trên 2.000 căn), thì chỉ có duy nhất một trường tiểu học ngay tại chung cư.
Phần lớn các em học sinh từ tiểu học trở lên sống tại chung cư vẫn phải học ở các trường công lập trên địa bàn phường, chứ có rất hiếm trường được xây ngay tại chính nơi các em ở.
Thế nhưng, theo ông Ngô Văn Tuyên, do công tác xây và sửa chữa trường lớp chưa theo kịp với thực tế, nên tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, nhất là đối với những khối lớp áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn là một áp lực đối với quận Bình Tân.
Toàn quận, số lượng học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chỉ đạt 40% và tỷ lệ này với bậc trung học cơ sở chỉ đạt 20%.
Đối với những khối lớp theo học sách của chương trình mới, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày có thấp hơn một chút, so với tỷ lệ bình quân chung của cả quận.
Cá biệt, với tỷ lệ dân số vào khoảng 120.000 dân, nhưng phường Bình Hưng Hòa A của quận này chỉ có duy nhất một trường trung học cơ sở Trần Quốc Toản, quận Bình Tân, 3 trường tiểu học.
Đặc biệt, phường này cũng không có trường ngoài công lập nào.
Một số học sinh bậc trung học cơ sở của phường này phải sang học tại một số trường trung học cơ sở ở địa bàn phường lân cận. Ví dụ như Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, Bình Trị Đông ở phường Bình Trị Đông, hay Trường trung học cơ sở Lạc Long Quân ở phường Bình Hưng Hòa.
Ông Ngô Văn Tuyên cho biết, hiện Ủy ban nhân dân quận Bình Tân chỉ đạo việc tuyển sinh không căn cứ cứng nhắc theo địa giới hành chính, mà học sinh có thể đi học ở những địa phương gần đó, nhằm đảm bảo đủ hết mọi chỗ học cho các học sinh.
Nhiều trường học sẽ được xây mới trong vài năm tới
Người phụ trách ngành giáo dục của quận Bình Tân cũng nói thêm, trong năm 2022, dự kiến quận sẽ hoàn thành 1 dự án trường với 43 phòng học.
Năm 2023 dự kiến sẽ khởi công thêm 10 dự án xây trường, với 286 phòng học. Có 5 dự án xây dựng mới được thành phố trình bổ sung kế hoạch trung hạn trong giai đoạn từ 2021 – 2025, với 152 phòng học.
Quận sẽ tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của 2 dự án gồm 1 mầm non và 1 tiểu học.
Giải pháp thực hiện, ông Ngô Văn Tuyên cho hay, quận sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường cho người dân đảm bảo với kế hoạch giải ngân đề ra.
Quận cũng sẽ phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để trình, phê duyệt các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường (thẩm định, trình duyệt giá bồi thường, phương án bồi thường…).
Tập trung hoàn thành các thủ tục chi trả tiền cho người dân, chú trọng vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng đủ và đúng thời gian quy định.
Lập kế hoạch triển khai chi tiết cho từng dự án, trong đó thể hiện từng hạng mục công việc, các mốc thời gian hoàn thành để có cơ sở thực hiện, giám sát tiến độ thực hiện.
Kịp thời đề xuất thành phố bố trí vốn thực hiện, điều hòa nguồn vốn tùy vào tiến độ từng dự án, gồm cả tiếp tục kiến nghị thành phố sớm bổ sung kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 cho một số dự án mà Ủy ban nhân dân quận đã kiến nghị.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố điều chỉnh, bổ sung kế hoạch năm 2022, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, đảm bảo kế hoạch giải ngân được giao phù hợp với tiến độ của từng dự án.
Thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng kịp thời, đúng theo quy định của Luật Đầu tư công.
Định kỳ hàng quý có sơ kết tiến độ thực hiện để đánh giá khả năng hoàn thành, những mặt làm được và chưa làm được, khó khăn vướng mắc khi thực hiện, rút ra các bài học kinh nghiệm và những đề xuất mới phát sinh trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.
Kịp thời đề xuất bổ sung nguồn vốn với những dự án tiến độ thi công nhanh, đề xuất giảm với những dự án khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là đối với khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng.