Phương Tây chia rẽ về việc hỗ trợ Ukraine máy bay chiến đấu
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine dự kiến sẽ có mặt ở Paris ngày 31/1 để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữa bối cảnh các nước phương Tây đang tranh luận về việc liệu có cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev hay không sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ khả năng cung cấp tiêm kích F-16.
Ukraine đang hối thúc phương Tây hỗ trợ tiêm kích thế hệ thứ tư như F-16 sau khi nhận được các xe tăng chiến đấu chủ lực vào tuần trước, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết ngày 27/1. Khi được hỏi tại Nhà Trắng ngày 30/1 về việc liệu Mỹ có cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 hay không, Tổng thống Biden đã trả lời báo giới rằng: "Không".
Tuy nhiên, Pháp và Ba Lan dường như sẵn sàng cân nhắc yêu cầu trên từ Ukraine khi Tổng thống Macron nhận định rằng, "về lý thuyết, không có gì bị loại trừ" khi nhắc đến việc hỗ trợ quân sự.
Trong bài phát biểu trên truyền hình Pháp, Tổng thống Macron nhấn mạnh, bất kỳ động thái nào đều sẽ phụ thuộc vào một số nhân tố, trong đó có yêu cầu tránh leo thang căng thẳng và đảm bảo rằng máy bay chiến đấu "sẽ không đụng vào lãnh thổ của Nga". Ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov sẽ gặp người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu ở Paris ngày 31/1.
Còn tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng không loại trừ khả năng cung cấp tiêm kích F-16 cho nước láng giềng Ukraine. Ông Morawiecki nhận định, bất kỳ đợt vận chuyển nào đều sẽ diễn ra "trong sự hợp tác đầy đủ" với các nước NATO.
Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine đã đề cập đến "những tín hiệu tích cực" từ Ba Lan và cho biết Pháp "không loại trừ" động thái trên.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đang thăm Nhật Bản và cảm ơn Tokyo về những hỗ trợ cho Ukraine. Một ngày trước đó, tại Hàn Quốc, ông đã hối thúc Seoul tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Bình luận của Tổng thống Biden được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã bắt đầu "trả thù" Ukraine bằng những cuộc tấn công dồn dập ở phía Đông, nơi Moscow đang đạt được một số thành quả quân sự đáng chú ý. Ông Zelensky đã cảnh báo những tuần qua rằng Moscow có mục tiêu tăng cường tấn công trong khoảng 2 tháng dọc các tiền tuyến trải dài khắp phía Nam và phía Đông.
Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ phương Tây vào tuần trước khi Đức và Mỹ thông báo kế hoạch cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev sau nhiều tuần bế tắc ngoại giao về vấn đề này.
Trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công mới, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Denis Pushilin cho biết quân đội Nga đã đảm bảo được lợi thế ở Vuhledar. Dù vậy, theo ông Pushilin, bất chấp "những tổn thất to lớn", quân đội Ukraine đang củng cố vị trí tại các cơ sở công nghiệp.
Cuộc chiến giành từng mét đất
Ông Pushilin cho biết, quân đội Ukraine đã điều thêm lực lượng tới Bakhmut, Maryinka và Vuhledar, các thị trấn chạy từ phía Bắc tới phía Nam và nằm ở ngay phía Tây thành phố Donetsk. Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời ông Pushilin nhận định, các lực lượng của Nga đã đạt được bước tiến ở đây nhưng mọi thứ "vẫn chưa phân chia rõ ràng, vì thế, đây gần như là cuộc chiến giành từng mét đất".
Còn theo nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov, nước này vẫn kiểm soát Maryinka và Vuhledar, những nơi mà các cuộc tấn công của Nga ít dữ dội hơn. Cố vấn của ông Pushilin - ông Yan Gagin cho biết, lực lượng thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner đã kiểm soát một phần tuyến cung cấp hậu cần của Ukraine tới Bakhmut - thành phố Nga tập trung tấn công những tháng qua.
Trước đó một ngày, người đứng đầu Wagner thông báo, các lực lượng của công ty này đã kiểm soát được Blahodatne, một ngôi làng nằm ở phía Bắc Bakhmut, mặc dù Kiev cho biết đã đẩy lùi các cuộc tấn công ở đây.
Tổng thống Zelensky đang hối thúc phương Tây đẩy nhanh việc hỗ trợ các vũ khí đã cam kết để Ukraine có thể tiếp tục tấn công nhưng hầu hết trong số hàng trăm xe tăng mà phương Tây đề nghị hỗ trợ sẽ phải mất vài tháng mới đến được tay Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, 14 xe tăng hạng nặng Challenger sẽ có mặt trên tiền tuyến vào tháng 4 hoặc tháng 5/2023, song không đưa ra khung thời gian chính xác.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí sẽ khiến "các nước NATO ngày càng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột nhưng điều đó không có khả năng thay đổi kết quả cuối cùng".
Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một think-tank có trụ sở tại Mỹ cho biết, "thất bại của phương Tây trong việc cung cấp các vũ khí cần thiết" vào năm ngoái là lý do chính khiến các cuộc tấn công của Kiev phải dừng lại kể từ tháng 11./.