Phương Tây chính thức thành lập cơ chế mới hỗ trợ Ukranie phòng thủ trong không gian mạng
Ngày 20/12, Cơ chế Tallinn đã chính thức được thành lập với sự tham gia của 11 quốc gia nhằm hỗ trợ Ukraine tăng cường năng lực trong không gian mạng khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine không giới hạn ở chiến trường thông thường.
Trong một dòng trạng thái đưa ra trên mạng xã hội X (Twitter trước đây) vào tối 20/12, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Dmytro Kuleba cho biết cùng ngày, Ukraine và 10 quốc gia khác, gồm: Canada, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Anh và Mỹ đã thành lập Cơ chế Tallinn về an ninh mạng.
Theo ông Kuleba, Cơ chế Tallinn vẫn mở cửa cho các thành viên mới, sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực an ninh mạng và năng lực của mạng dân sự của nước này, tự bảo vệ mình tốt hơn trong không gian mạng và đáp ứng nhu cầu phục hồi mạng về lâu dài.
Trong một bản tin phát đi trên website của mình, Bộ Ngoại giao Pháp đã xác nhận rằng Cơ chế Tallinn đã chính thức được thành lập nhằm giúp Ukraine duy trì quyền cơ bản của mình là tự vệ trong không gian mạng và giải quyết các nhu cầu về khả năng phục hồi mạng lâu dài hơn.
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, tuy các nỗ lực của Cơ chế Tallinn có mục đích riêng biệt, nhưng sẽ bổ sung cho các nỗ lực xây dựng năng lực mạng quân sự và nỗ lực dân sự về phát triển kỹ thuật số. Bên cạnh đó, các thành viên Cơ chế Tallinn cũng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia, ông Margus Tsahkna cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine không chỉ được tiến hành trên chiến trường thông thường… Mục tiêu tấn công của Nga bao gồm năng lực mạng của Ukraine, cả quân sự và dân sự.
Cho nên, theo ông Tsahkna, điều quan trọng là phải hỗ trợ Ukraine trong phòng thủ mạng cũng như về khả năng khôi phục và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan của nước này.
Như vậy tới nay, phương Tây đã hình thành một loạt nền tảng, liên minh và cơ chế để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga từ trên không, trên biển, dưới mặt đất và trong không gian mạng.
Hồi đầu tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước Anh và Hà Lan đã đồng ý phối hợp với nhau để xây dựng một liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực chiến đấu trên không, hỗ trợ nước này mọi thứ, từ đào tạo đến mua máy bay chiến đấu F-16.
Tiếp đó, vào ngày 11/12, Anh và Na Uy khởi xướng việc thành lập Liên minh Năng lực Hàng hải nhằm cung cấp tàu và phương tiện để tăng cường khả năng hoạt động trên biển của Ukraine và cung cấp đào tạo, thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng giúp Ukraine để tăng cường an ninh ở Biển Đen".
Gần đây nhất là vào ngày 18/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Giao thông Vận tải Quốc tế (ITF), Litva, Thụy Điển và Canada đã công bố sáng kiến thành lập Nhóm lợi ích chung cho Ukraine (CIG4U) nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển ngành giao thông vận tải của Ukraine.