Phương Tây dè chừng khi Nga trả đũa Ukraine bằng tên lửa đạn đạo mới nhất

Ngay sau khi Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS (tầm bắn khoảng 300km) vào lãnh thổ Nga, quân đội Nga liền đáp trả bằng cách nã tên lửa đạn đạo Oreshnik (tầm bắn khoảng 3.000-5.000km) vào thành phố ở miền Trung Ukraine. Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và rất khó đánh chặn.

Màn so gươm giữa Nga và Ukraine mang phong cách Chiến tranh Lạnh

Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ tập kích vào lãnh thổ Nga vào ngày 19/11/2024 (đúng mốc 1.000 ngày của xung đột Nga - Ukraine) và dùng tên lửa hành trình của Anh để đánh vào một chốt chỉ huy của Nga vào hôm 20/11. Về phần mình, Nga phóng tên lửa đạn đạo mới nhất Oreshnik vào thành phố Dnipro ở miền Trung Ukraine vào hôm 21/11.

Rocket Nga rời bệ phóng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Rocket Nga rời bệ phóng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Vụ phóng tên lửa Oreshnik siêu vượt âm của Nga là đỉnh điểm của màn ăn miếng trả miếng trong một tuần qua giữa Nga và Ukraine, rất giống cách đáp trả qua lại thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Putin đã nhanh chóng lên tiếng cho biết Nga vừa bắn thử một quả tên lửa đạn đạo tầm xa vào một cơ sở quốc phòng của Ukraine hôm 21/11. Ông Putin nói rằng vụ phóng thử tên lửa này là nhằm đáp trả việc Ukraine trước đó đã nã tên lửa (do Mỹ và Anh cung cấp) vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (HUR) hôm 22/11 đã cung cấp chi tiết về vụ bắn tên lửa Oreshnik: Nó bay ở tốc độ gấp 11 lần tốc độ âm thanh và trước khi chạm mục tiêu sẽ bung ra 6 đầu đạn chứa 36 quả đạn chùm nhỏ. Oreshnik đã mất 15 phút để bay từ tỉnh Astrakhan của Nga tới thành phố Dnipro của Ukraine.

Giới chức Ukraine đang điều tra liệu quả tên lửa đó chỉ mang đầu đạn rỗng, theo Roman Kostenko - chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và tình báo thuộc Quốc hội Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 23/11, ông Kostenko đã trưng ra một bức ảnh về một cái hố do đầu đạn tên lửa Oreshnik của quân đội Nga gây ra. Hố này khá nhỏ, cho thấy hoặc đầu đạn rỗng hoặc đầu đạn mang lượng thuốc nổ cực nhỏ.

Đòn răn đe khiến phương Tây e ngại thực sự

Giới phân tích nhận định: Thông qua vụ phóng Oreshnik, Nga muốn nhắc nhở phương Tây rằng vũ khí Nga đã sẵn sàng cho một đòn tấn công hạt nhân hiểm hóc mà đối phương khó ngăn chặn được.

Tên lửa Oreshnik trong vụ phóng này không mang đầu đạn hạt nhân. Không những vậy, như đã nêu ở trên, có vẻ như tên lửa này chỉ mang đầu đạn rỗng và gây thiệt hại rất nhỏ cho Ukraine. Hơn nữa do đang trong giai đoạn thử nghiệm nên số lượng tên lửa Oreshnik mới này sẽ không nhiều. Như vậy, có khả năng cao vụ phóng mang tính chính trị hơn là quân sự, chủ yếu nhằm gửi thông điệp răn đe tới cả Ukraine lẫn phương Tây.

Tướng Sergei Karakayev - người đứng đầu lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, cho biết: Tên lửa Oreshnik có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân, và có khả năng bắn tới khắp châu Âu.

Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định Oreshnik là một loại vũ khí mới chứ không phải là sự nâng cấp vũ khí cũ từ thời Xô viết. Ông cho biết, dù chỉ gắn đầu đạn thông thường, vài quả tên lửa Oreshnik như thế này cũng đủ gây ra hiệu ứng tàn phá như tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin cảnh báo rằng cho tới lúc này, không hệ thống phòng không nào của phương Tây có năng lực đánh chặn được tên lửa này của Nga. Ông cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm hệ thống vũ khí mới nhất này để tiến tới chỗ sản xuất hàng loạt.

Tình hình Ukraine trên thực địa tiếp tục bế tắc

Trên chiến trường, lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang gặp khó khăn chồng chất.

Viện Liên quân chủng Hoàng gia (có trụ sở tại London, Anh) nhận định rằng ngay cả khi được phương Tây cho phép tập kích sâu hơn vào Nga thì “Ukraine vẫn đang nhanh chóng tiến gần đến một điểm mà ở đó nếu họ không giải quyết được vấn đề nhân lực, họ sẽ phải vật lộn để bảo vệ chiều dài chiến tuyến”. Báo cáo của Viện này cho rằng, nếu Ukraine tiếp tục thiếu quân, “tình trạng sụp đổ thế trận của họ sẽ diễn ra mau chóng hơn”.

Lực lượng tiến công của Nga vào ngày 23/11 đã tới được ngoại vi một thành trì khác của Ukraine - Velyka Novosilka, nằm về phía Đông. Sau nhiều tuần giao chiến, binh sĩ Nga đang bao vây dần thị trấn Kurakhove, đe dọa nhốt chặt lực lượng Ukraine đồn trú tại đây.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, tại khu vực Kurakhove, quân đội Nga đang tiến được 200-300m mỗi ngày. Thị trấn Kurakhove là bàn đạp để tiến về trung tâm hậu cần trọng yếu Pokrovsk ở tỉnh Donetsk.

Trong khi đó, vào ngày 23/11, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Tổng thống Nga Putin cố gắng đánh bật quân Ukraine khỏi Kursk trước ngày 20/1/2025 nhằm tác động đến Tổng thống đắc cử Mỹ Trump.

Valentyn Badrak - nhà phân tích quân sự của Trung tâm Nghiên cứu Nga phát biểu trên truyền hình Ukraine: “Ông Putin đang muốn tác động lên ông Trump và mặc cả thêm”.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: Nytimes, SkyNews, Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-de-chung-khi-nga-tra-dua-ukraine-bang-ten-lua-dan-dao-moi-nhat-post1137731.vov