Phương Tây khuyên Ukraine từ bỏ kỳ vọng đánh bại Nga

Ngày 11/9, theo tờ Wall Street Journal, các quốc gia đồng minh phương Tây đã cảnh báo với Kiev rằng họ không thể cung cấp đủ tài chính và vũ khí để đánh bại Nga.

Trong ngày 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã thảo luận với các quan chức Ukraine tại Kiev về "định nghĩa chiến thắng của Ukraine và loại viện trợ cần thiết để đạt được mục tiêu này". Tổng thống Vladimir Zelensky được khuyên nên đưa ra một kế hoạch "thực tế hơn" để phù hợp với tình hình hiện tại.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) bắt tay Tổng thống Vladimir Zelensky (phải) và Ngoại trưởng Anh David Lammy (trái) tại Kiev, Ukraine, ngày 11/9. (Nguồn: WSJ)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) bắt tay Tổng thống Vladimir Zelensky (phải) và Ngoại trưởng Anh David Lammy (trái) tại Kiev, Ukraine, ngày 11/9. (Nguồn: WSJ)

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Kiev đang chịu áp lực từ các nước phương Tây, khi nhiều nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Ukraine cần giảm bớt kỳ vọng.

Điều này xuất phát từ việc các nước phương Tây ngày càng mệt mỏi với việc chi tiêu cho cuộc xung đột. Tờ Wall Street Journal cũng nhận định rằng để Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn, phương Tây sẽ phải chi hàng trăm tỷ USD, một con số mà cả Mỹ lẫn châu Âu đều khó có thể đáp ứng.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, kể từ khi chiến sự bùng phát, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hơn 200 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, bao gồm các hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo. Ngoài ra, còn có khoản viện trợ bổ sung trị giá 110 tỷ USD đang chờ phê duyệt, cho thấy sự cam kết của phương Tây với Ukraine dù gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù ông Zelensky khẳng định Ukraine có thể khôi phục lại biên giới năm 1991, bao gồm cả Crimea, nhưng Mỹ đã từ lâu coi mục tiêu này là không khả thi. Nga cũng đã tuyên bố rõ rằng Kiev phải chấp nhận sự thật là bốn vùng lãnh thổ trước đây của Ukraine hiện đã trở thành một phần của Liên bang Nga và Crimea "không phải là vấn đề để thảo luận".

Dù khả năng giành lại các vùng lãnh thổ này rất thấp, vào tháng 8, ông Zelensky vẫn khẳng định sẽ trình bày "kế hoạch chiến thắng" cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông cũng ngụ ý rằng thành công của Ukraine phụ thuộc vào việc Mỹ có tiếp tục hỗ trợ về tài chính và vũ khí hay không.

Tuy nhiên, cuộc tấn công tốn kém của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga đã làm suy yếu vị thế quân sự của Kiev. Thay vì phải rút quân khỏi Donbass để phòng thủ, Nga đã tận dụng cơ hội này để tiến công và chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng, tiến gần hơn đến trung tâm hậu cần Pokrovsk.

Dù vậy, trong cuộc gặp ngày 11/9, Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Lammy vẫn cam kết viện trợ thêm gần 1,5 tỷ USD cho Ukraine. Ông Blinken khẳng định: "Chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng". Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal thừa nhận rằng các cuộc thảo luận với hai nhà ngoại giao phương Tây diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng.

Tại Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, ông Blinken đến Kiev không phải để thúc giục ông Zelensky chấp nhận thỏa hiệp với Nga.

Ông Kirby khẳng định: "Một cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra, nhưng khi nào và trong hoàn cảnh nào thì sẽ do Tổng thống Zelensky quyết định".

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phuong-tay-khuyen-ukraine-tu-bo-ky-vong-danh-bai-nga-169240912091856489.htm