Phương Tây lo lắng khi MiG-31 mang tên lửa không đối không với đầu đạn hạt nhân

Nga chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của đầu đạn hạt nhân trên tên lửa không đối không, nếu điều này là thật sẽ là thách thức nghiêm trọng cho phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã công bố đoạn phim cho thấy, máy bay đánh chặn MiG-31BM được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, trong giai đoạn thứ ba của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân phi chiến lược vào ngày 31/7.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video trong bối cảnh tiến hành cuộc tập trận huấn luyện triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, cho thấy tên lửa của MiG-31 rất có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Ảnh chụp màn hình từ video của Bộ Quốc phòng Nga.

Ảnh chụp màn hình từ video của Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa R-33

Tên lửa trên được xác định là R-33 (Định danh của NATO là AA-9 Amos), đây là một loại tên lửa không đối không tầm xa do Liên Xô phát triển, là vũ khí chính của tiêm kích MiG-31.

R-33 có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như tên lửa hành trình bay thấp, các mục tiêu lớn, có tốc độ cao và tầm bay cao như máy bay trinh sát SR-71 Blackbird, máy bay ném bom B-1 Lancer và B-52 Stratofortress của Mỹ.

Tên lửa có kích thước rất lớn, dài 4,14 m, nặng 490kg, đường kính thân 380 mm, sải cánh 1,12 m, tốc độ bay siêu thanh Mach 4,5, có tầm bắn tối đa tới 304 km.

Do được trang bị đầu dò radar bán chủ động (SARH), nên R-33 có khả năng cập nhật dữ liệu mục tiêu sau khi rời máy bay, đồng thời có hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới các mục tiêu ở khoảng cách xa. Radar mảng pha quét điện tử Zaslon của MiG-31 có thể dẫn bắn cùng lúc 4 tên lửa R-33 tới 4 mục tiêu khác nhau.

Các nhân viên Nga đang gắn R-33 lên MiG-31.

Các nhân viên Nga đang gắn R-33 lên MiG-31.

Khi sử dụng R-33, MiG-31 có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay đối phương như F-15 Eagle của Không quân Mỹ, ở khoảng cách xa hơn phạm vi đáp trả của chúng khoảng 30 km. Tên lửa R-33 sử dụng đầu đạn phân mảnh thông thường nặng 55kg. Phiên bản cải tiến của tên lửa này, được gọi là R-33S được trang bị đầu đạn tự dẫn chủ động.

Radar Zalson

BRLS-8B Zaslon là một loại radar trên không, đa chức năng, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và được phát triển từ năm 1975 đến năm 1980, như một phần của hệ thống kiểm soát vũ khí của máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31.

Một tên lửa tầm xa muốn hoạt động hiệu quả thì cần phải có một radar có khả năng phát hiện mục tiêu từ xa. Zaslon là radar mảng pha quét điện tử đầu tiên trên thế giới, được thiết kế để có thể phát hiện được mục tiêu có tiết diện từ 16 m2 trong phạm vi 200 km.

Tên lửa R-33 kết hợp với radar mảng pha Zalson sẽ tạo nên hiệu suất chiến đấu rất cao cho máy bay MiG-31. Radar này đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Nga, vì đây là lần đầu tiên ăng-ten PESA (mảng quét điện tử thụ động) được triển khai trên máy bay chiến đấu. Cho đến nay, radar PESA mới chỉ được triển khai trên mặt đất hoặc trên các máy bay ném bom chiến lược như B-1 của Mỹ.

Radar Zaslon còn có thể hoạt động tốt trong cả điều kiện bị đối phương gây nhiễu mạnh. Bên cạnh khả năng phát hiện tầm xa, radar còn có chức năng quan sát phía dưới, hỗ trợ MiG-31 đánh chặn các loại tên lửa hành trình bám địa hình.

R-33 đã được nâng cấp đáng kể với biến thể được triển khai trên máy bay chiến đấu MiG-31 kể từ năm 2012, có tầm bắn hơn 300 km. Hệ thống ngắm mục tiêu của tên lửa cũng đã được cải thiện, cho phép nó tấn công với độ chính xác cao hơn.

Radar Zalson trên MiG-31.

Radar Zalson trên MiG-31.

Tên lửa di chuyển với tốc độ lên đến Mach 6, khiến những mục tiêu cơ động như máy bay tiêm kích hoạt động ở tầm xa cũng khó có thể tránh được. Nhược điểm lớn duy nhất của tên lửa R-33 là kích thước to lớn và trọng lượng nặng gần 500 kg, nên mỗi chiếc tiêm kích MiG-31 chỉ mang được 4 quả tên lửa R-33 dưới giá treo đặc biệt gắn chặt dưới bụng.

Đầu đạn hạt nhân

Một số nguồn tin cho rằng, tên lửa không đối không thời Liên Xô có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, điều này phù hợp với học thuyết quân sự của quốc gia này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, cho đến nay Nga chưa bao giờ chính thức thừa nhận sự tồn tại của đầu đạn hạt nhân trên tên lửa không đối không. Việc sử dụng đầu đạn hạt nhân trong chiến đấu không đối không là rất khó xảy ra.

Nhưng đầu đạn hạt nhân có thể là lựa chọn duy nhất nếu đối phương tiến hành chiến tranh điện tử (EW), vô hiệu hóa các đầu dò chủ động của tên lửa tầm xa như R-33 và R-37.

MiG-31 với 4 tên lửa R-33.

MiG-31 với 4 tên lửa R-33.

Nếu tác chiến điện tử của phương Tây có thể vô hiệu hóa đầu dò tên lửa chủ động của Nga, thì lựa chọn duy nhất của Nga là phóng tên lửa không đối không về phía tọa độ mục tiêu đã biết, dựa vào dẫn đường quán tính để đưa tên lửa đến khu vực mục tiêu và sau đó kích nổ đầu đạn hạt nhân.

Theo các chuyên gia quân sự, việc sử dụng tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân sẽ là nỗ lực cuối cùng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong chiến đấu. Cho dù R-33 là một tên lửa đã lỗi thời, nhưng nếu Nga thực sự trang bị "đầu đạn đặc biệt" cho loại tên lửa này thì nó sẽ gây ra thách thức lớn đối với phương Tây.

Lê Hưng (Nguồn: EurAsian Times)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/phuong-tay-lo-lang-khi-mig-31-mang-ten-lua-khong-doi-khong-voi-dau-dan-hat-nhan-ar888832.html