Phương Tây và Nga: Cuộc chạy đua... xe tăng chưa có hồi kết

Mối đe dọa ngày càng tăng trong việc phát triển các loại xe tăng mới từ Nga, cụ thể là kế hoạch tăng gấp đôi số phương tiện chiến đấu này của Moscow, khiến các nhà chế tạo xe tăng phương Tây không thể ngồi yên.

Xe tăng T-14 Armata trong buổi duyệt binh tại Hồng trường. (Nguồn: Sputnik News)

Sự xuất hiện của xe tăng T-14 nền tảng bánh xích Armata của Nga đã đặt châu Âu và Mỹ trước nguy cơ lặp lại lịch sử những năm 60 của thế kỷ trước (khi mà sự ra đời của xe tăng T-64 đã khiến các dòng xe tăng phương Tây trở nên lạc hậu).

Phương Tây loay hoay nâng cấp pháo tăng

Theo giới quan sát, một số bước nhằm cải thiện năng lực tác chiến xe tăng của các nước NATO dường như đã được triển khai. Năm ngoái, quân đội Đức đã nhận được chiếc xe tăng Leopard 2A7V đầu tiên với hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ được nâng cấp. Đến năm nay, Lục quân Mỹ cũng nhận những xe tăng M1A2 SEP V3 Abrams được hiện đại hóa với nhiều tính năng vượt trội. Điển hình trong số đó là tổ hợp bảo vệ chủ động Trophy do Israel sản xuất, có khả năng đánh chặn tên lửa của đối phương...

Nhưng, như vậy là chưa đủ khi cả hai phiên bản Leopard 2A7V và M1A2 SEP V3 Abrams nói trên đều không tạo ra đột phá mang tính cách mạng.

Xe tăng Leopard-2A6 Đức. (Nguồn: Wikipedia)

Một trong những cách ứng phó đối với "mối đe dọa phía Đông" là việc phát triển các loại pháo tăng mới có cỡ nòng lớn hơn. Mới đây, Tập đoàn Rheinmetall của Đức đã tiết lộ về pháo tăng mới cỡ 130mm mang tên Next Generation 130. Tổng khối lượng của pháo khoảng 3.000kg, nòng dài 6,6m, có sức công phá lớn hơn 50% so với pháo tăng 120mm/55 Rheinmetall L55 được trang bị trên Leopard 2. Pháo tăng Next Generation 130 có cơ cấu bắn bằng điện, được trang bị vỏ cách nhiệt và hệ thống kiểm soát độ uốn cong của nòng pháo.

Bên cạnh việc được trang bị hai loại đạn xuyên giáp dưới cỡ nòng (APFSDS) với lõi vonfram kéo dài, Next Generation 130 còn bắn đạn phân mảnh đa năng với khả năng lập trình để nổ trên không (HE ABM). Năm ngoái, Rheinmetall đã mua lại 55% cổ phần của BAE Systems - công ty sản xuất xe tăng Challenger 2. Tuy nhiên, đến giữa năm thì BAE Systems thông báo kế hoạch sản xuất xe tăng thất bại do nhu cầu quá hạn chế (ngoài Anh, chỉ có Oman đặt mua 18 chiếc vào năm 1993 và 20 chiếc nữa vào năm 1997). Được biết, tổng số Challengers 2 được chế tạo chỉ hơn 400 chiếc - một con số quá khiêm tốn.

Do đó, các cuộc thử nghiệm gần đây đối với pháo tăng 130mm có thể được coi là nỗ lực của Rheinmetall và BAE nhằm hồi sinh chương trình hiện đại hóa kho xe tăng Challenger đang bị đình trệ. Anh từng đặt nhiều hy vọng vào chương trình kéo dài tuổi thọ Challenger 2 (CR2 LEP), nhằm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của xe tăng. Tuy nhiên, năm ngoái, Bộ Quốc phòng Anh cũng đã đình chỉ đấu thầu.

Còn nhớ, năm 2019, BAE Systems đã nói về một phiên bản mới của Challenger, được gọi là Black Night và được sơn màu đen. Nó có thể được gọi là hiện đại hóa "nâng cao" - một trong những cải tiến nên được cài đặt một tổ hợp bảo vệ tích cực. Tuy nhiên, triển vọng của phiên bản này khá mờ mịt do tình hình kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Không khác Black Night, pháo Rheinmetall 130mm cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tương lai của loại pháo này phụ thuộc trực tiếp vào dự án Hệ thống Tác chiến mặt đất chính (Main Ground Combat System – MGCS) của Pháp - Đức. Số phận của chương trình phụ thuộc trực tiếp vào triển vọng quan hệ giữa hai nước này, cũng như việc Liên minh châu Âu (EU) còn phải đối mặt với những thách thức lớn nào khác hay không!

Dầu vậy, pháo Rheinmetall không phải là lựa chọn duy nhất cho xe tăng của châu Âu trong tương lai. Năm ngoái, Công ty Nexter của Pháp đã thử nghiệm mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc được hiện đại hóa với pháo 140mm đã bắn thử nghiệm thành công 200 phát đạn. Theo Nexter, loại pháo mới này sẽ hiệu quả hơn 70% so với các loại pháo xe tăng 120mm hiện có của NATO. Có khả năng cao là Leclerc cũng có công lực mạnh hơn khẩu 130mm Rheinmetall. Trong mọi trường hợp, đây là một sự phát triển có tiềm năng mang tính cách mạng hơn, có thể "hoàn toàn phù hợp" với khái niệm tổng thể về xe tăng của châu Âu trong tương lai. Ngoài các tính năng khác, Leclerc sẽ có hỏa lực mạnh hơn nhiều so với Abrams hoặc Leopard được trang bị pháo 120mm.

Việc nâng cao sức mạnh hỏa lực của các dòng tăng chủ lực không chỉ diễn ra tại các nước phương Tây. Trước đó, đã có thông tin về việc có thể trang bị cho T-14 của Nga pháo 152mm thay vì pháo 2A82 125mm tiêu chuẩn; việc lắp đặt pháo mới trên T-14 không phải là vấn đề trong những năm kế tiếp và trong những thập kỷ tiếp theo. Kết luận cụ thể về khả năng của pháo tăng mới chỉ có thể được đưa ra sau khi biết được các đặc tính chi tiết của các mẫu pháo được tích hợp.

Sẵn sàng cho một cuộc chiến trên bộ?

Trong một động thái liên quan, theo trang National Interest, trong nửa đầu năm nay, quân đội Nga đã nhận được 160 xe tăng - bao gồm cả T-72B và T-80 đã được sửa chữa và hiện đại hóa. Theo số liệu của Globalfirepower.com, đội xe tăng của Nga lên tới 12.000 chiếc, lớn gấp đôi so với Mỹ (6.000 tăng). Điều này làm dấy lên những đồn đoán về triển vọng một cuộc chiến trên bộ kéo dài.

Xe tăng M1A2-Sep-V2 Mỹ. (Nguồn: Yibada)

T-72B có thể được coi là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga giống nhưvai trò của xe tăng Abrams trong Quân đội Mỹ. Global Firepower chỉ ra, Mỹ có tới 39.000 xe bọc thép trong khi Nga chỉ có 27.000 chiếc. Tuy nhiên, lợi thế của Nga là 6.000 xe tăng có khả năng bảo vệ tốt hơn so với các xe bọc thép thông thường.

Mặc dù vậy, kết quả của bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào đều phụ thuộc nhiều vào không quân, và hiện Mỹ có số máy bay chiến đấu nhiều gấp 2 và gần 5 lần số máy bay trực thăng so với Nga. Ưu thế trên không có thể quyết định lực lượng mặt đất nào sẽ áp đảo, và nếu Không quân Mỹ có ưu thế vượt trội thì xe tăng Nga sẽ dễ bị tấn công từ trên không.

Các yếu tố khác cũng cần được xem xét, chẳng hạn như tình trạng công nghệ hiện tại và độ phức tạp của xe tăng Nga. Có bao nhiêu chiếc T-72 đã được hiện đại hóa để bằng cách nào đó chúng có thể được so sánh với những sửa đổi mới nhất của Abrams? Các phiên bản sau của dòng mới nhất, ngoài các yếu tố khác, bao gồm các thiết bị ngắm ảnh nhiệt và hồng ngoại mới, vật liệu vỏ giáp được cải tiến và tên lửa.

Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi liệu Abrams có thể vượt trội hơn T-14 Armata của Nga hay không và liệu việc Nga có số lượng xe tăng nhiều gấp đôi Mỹ có ý nghĩa hay không?

(theo Top War, Top Cor và National Interest)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phuong-tay-va-nga-cuoc-chay-dua-xe-tang-chua-co-hoi-ket-121442.html