Phương thức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người vắng mặt

Trong trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi vắng mặt hoặc không thể đến nhận tiền bảo hiểm thì sẽ được xử lý như thế nào.

Đây là câu hỏi của ông Trần Hưng Thịnh ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả (BHTGVN) lời như sau:

Khoản 6, Điều 26, Luật BHTG quy định: “Sau thời hạn 10 năm kể từ ngày BHTG có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm thì những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước”.

Như vậy, nếu người được BHTG không thể đến nhận tiền bảo hiểm vào ngày BHTGVN xác định trong thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm thì có thể đến nhận trực tiếp tại BHTGVN sau ngày đã thông báo nhưng không được vượt quá thời hạn 10 năm nêu trên.

Bên cạnh đó, người được BHTG có thể thực hiện ủy quyền nhận tiền bảo hiểm. Khi đó, BHTGVN sẽ giải quyết chi trả theo Khoản 2,3,4 Điều 8 Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm, ban hành kèm theo Quyết định 807/QĐ-BHTG ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị BHTGVN và các quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến thủ tục ủy quyền.

Trường hợp người được BHTG không thể đến nhận tiền trực tiếp tại BHTGVN sau ngày thông báo và cũng không thực hiện ủy quyền thì có thể gửi văn bản đến BHTGVN yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo phương thức chuyển khoản. Khi đó, ngoài các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ cần thiết, người được BHTG còn phải thực hiện các quy định khác về thanh toán chuyển khoản.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tu-van-phap-luat/phuong-thuc-chi-tra-bao-hiem-tien-gui-cho-nguoi-vang-mat/20200310092051634