Phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài thương mại trong hội nhập kinh tế quốc tế

Trong kinh doanh thương mại, trọng tài thương mại với tư cách là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án đã và đang góp phần không nhỏ vào sự ổn định của hoạt động thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, với đại đa số người dân và doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm về trọng tài thương mại còn khá mới mẻ. Bài viết giới thiệu về thực trạng pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại và một số gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả của trọng tài thương mại thành công cụ pháp lý quan trọng, đắc lực của doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về trọng tài thương mại

Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010 (Luật số: 54/2010/QH12) quy định: “TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận...”; Khoản 2 Điều 3 Luật TTTM: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh...”. Như vậy, để đưa tranh chấp thương mại ra giải quyết trước hội đồng trọng tài, các bên cần phải có một thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài đại diện cho ý chí của các bên rằng, họ muốn tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài có thể có trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Việc này có nghĩa là thỏa thuận trọng tài có thể được các bên ký kết ngay trong hợp đồng ban đầu (lúc chưa phát sinh tranh chấp), cho đến khi xảy ra tranh chấp thì các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng cho dù trước hoặc sau tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài phải được thống nhất giữa hai bên bằng văn bản.

Những tranh chấp thương mại có thể giải quyết thông qua trọng tài

Theo Điều 2 Luật TTTM, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật được giải quyết bằng trọng tài.

Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Khi có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng TTTM như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực... thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.

Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ, Điều 35 Luật TTTM 2010).

Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài.

Bước 4: Hòa giải (theo Điều 58 Luật TTTM 2010).

Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (Điều 55 Luật TTTM 2010).

Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài thương mại

Hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như Việt Nam, TTTM được quy định là 1 trong 4 hình thức cơ bản để giải quyết tranh chấp thương mại. Để hội nhập vào nền kinh tế thế giới một cách nhanh chóng và bền vững, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về trọng tài nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Năm 2003, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh TTTM, đến năm 2010 ban hành Luật TTTM. Triển khai Luật, ngày 20/3/2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định Luật TTTM.

Triển khai thi hành Luật TTTM, các trung tâm trọng tài của Việt Nam đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động. Tính đến năm 2018, nước ta có 22 trung tâm TTTM, trong đó “thâm niên” nhất là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1993 (Bộ Tư pháp, 2018).

Giai đoạn 2011-2015 Việt Nam ta hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn, lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với đó cũng phát sinh tranh chấp thương mại quốc tế đòi hỏi phương thức giải quyết hữu hiệu hơn. Các doanh nghiệp (DN) đã nhìn nhận và đánh giá tích cực phương thức hòa giải bằng trọng tài. Số lượng vụ việc tranh chấp mà các Trung tâm trọng tài thụ lý giải quyết đã tăng lên 30% so với trước đây. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn từ năm 2011 đến 31/12/2015, các trung tâm trọng tài đã ban hành 1.831 phán quyết trọng tài, riêng trong năm 2015, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 1.255 vụ việc, tăng 389 vụ việc so với năm 2014 (Nguyễn Thủy, 2018). Trong đó, VIAC đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình gần 60 vụ/năm; Trung tâm TTTM TP. Hồ Chí Minh (TRACENT) thụ lý, giải quyết 291 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm. Các trung tâm trọng tài khác chỉ giải quyết từ 5 đến 10 vụ/năm (VIAC, 2008-2020).

Những năm gần đây, số vụ việc tranh chấp được giải quyết ở các trung tâm trọng tài cũng ngày càng tăng, điển hình như ở VIAC: Năm 2015, trung tâm tiếp nhận và giải 146 vụ, năm 2016 là 155 vụ. Năm 2017, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết 151 vụ tranh chấp với tổng trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng. Năm 2018, tổ chức này đã giải quyết 180 vụ tranh chấp thương mại với tổng trị giá 9.400 tỷ đồng (VIAC, 2008-2020).

Năm 2019, VIAC đã thụ lý 274 vụ tranh chấp, tăng 52,2% so với tổng số vụ tranh chấp được thụ lý trong năm 2018, trong đó, tranh chấp trong nước là 231 vụ, chiếm 84,3%, tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 43 vụ, chiếm 15,7%; tổng trị giá tranh chấp (bao gồm cả trị giá đơn kiện lại) gần 7,3 nghìn tỷ đồng, trị giá bình quân 1 vụ 26,9 tỷ đồng. Các tranh chấp về mua bán chiến 44%, bất động sản chiếm 20%, dịch vụ chiếm 15% và các tranh chấp khác thuộc về các lĩnh vực như: Xây dựng, bảo hiểm, logistics, tài chính ngân hàng, chứng khoán, gia công, hàng hải, bảo lãnh (VIAC, 2008-2020).

Nhìn chung, theo VIAC, lĩnh vực tranh chấp nhiều nhất trong thời gian qua đang có sự dịch chuyển nhất định. Nếu như trong giai đoạn đầu hoạt động của VIAC, gần như 100% tranh chấp được xử lý đều là các hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó 90% tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì nay tranh chấp mua bán hàng hóa đã giảm đi, tới hết năm 2018 chỉ còn 40%. Tuy nhiên, thay vào đó, tranh chấp thương mại gia tăng ở một số lĩnh vực khác như: xây dựng, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng. Các tranh chấp được xử lý tại VIAC diễn ra giữa các đối tác, DN đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và 53/63 tỉnh thành. Những quốc gia có đầu tư tại Việt Nam lớn nhất cũng là những nơi có nhiều vụ tranh chấp thương mại nhất (Phương Hiền, 2019).

Mặc dù, số vụ tranh chấp được giải quyết qua TTTM đã gia tăng trong những năm gần đây nhưng nhìn chung, tổng số vụ việc mà các trung tâm TTTM tại Việt Nam giải quyết được hàng năm vẫn còn khiêm tốn so với khối lượng tranh chấp thương mại rất lớn mà ngành Tòa án phải xử lý. Cụ thể, số vụ việc giải quyết tại VIAC chưa tới 1% số vụ việc được giải quyết tại tòa án (Mai Ca, 2018). Xu hướng này khác với việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án - tức qua các TTTM - đã thực sự phổ biến ở nhiều nước phát triển.

Một số vấn đề đặt ra

Nhìn chung, phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng TTTM vẫn chưa được các DN Việt Nam ưu tiên lựa chọn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, điển hình như:

Một là, thể chế về tổ chức, hoạt động trọng tài mặc dù đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên giữa quy định của pháp luật về TTTM với quy định của một số lĩnh vực pháp luật khác vẫn chưa đồng bộ; một số nội dung chưa thống nhất; chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc hủy phán quyết trọng tài của cơ quan tòa án.

Hai là, số lượng trung tâm trọng tài ở nước ta được thành lập tương đối nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, cơ sở vật chất của phần lớn các trung tâm trọng tài chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu để phục vụ cho hoạt động của các trọng tài viên; công tác quản lý, điều hành của một số trung tâm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa hiệu quả.

Ba là, TTTM là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mới hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Do đó, hiểu biết và nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhất là cộng đồng DN về phương thức giải quyết này vẫn còn chưa đầy đủ.

Bốn là, do các căn cứ pháp lý để hủy phán quyết trọng tài còn được hiểu chưa thống nhất, nên tình trạng hủy phán quyết trọng tài trong thời gian qua xảy ra. Bên cạnh đó, việc chậm thi hành phán quyết trọng tài; tỷ lệ đơn yêu cầu phán quyết trọng tài được thi hành trên thực tế chưa cao đã làm cho hoạt động trọng tài kém hấp dẫn.

Giải pháp đề xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả của TTTM khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Về phía Nhà nước

- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về thể chế trọng tài và việc triển khai thi hành Luật TTTM để kịp thời tháo gỡ, đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật TTTM và vai trò, lợi ích của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng DN.

- Phát triển thị trường dịch vụ trọng tài, kết hợp vai trò giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại của tổ chức TTTM.

- Có chính sách, chương trình đào tạo nâng cao năng lực của trọng tài viên về kỹ năng giải quyết tranh chấp, về trình độ ngoại ngữ; Kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tư pháp có nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về TTTM.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trọng tài; vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các trọng tài viên. Đẩy mạnh sự giám sát đối với việc hủy quyết định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài.

Về phía DN

- Chủ động cập nhật những kiến thức pháp lý cần thiết khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, DN cần theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện hợp đồng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết trong hợp đồng…

- Khi có tranh chấp phát sinh: Thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp, bất đồng theo đúng quy định trong hợp đồng.

Nếu là nguyên đơn: đơn khởi kiện phải đầy đủ nội dung theo quy định, các lập luận phải có minh chứng đi kèm, phải nộp đơn trong thời hạn quy định. Nếu là bị đơn: nên nộp bản tự bảo vệ đúng thời hạn, kèm các tài liệu minh chứng để chứng minh cho sự xác thực của các lập luận, tham gia đầy đủ các phiên họp, phiên triệu tập giải quyết tranh chấp để đảm bảo quyền lợi và không bỏ qua cơ hội được trình bày ý kiến, quan điểm. Bên cạnh đó, khi có tranh chấp, DN cần nỗ lực sử dụng phương thức hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp vì điều đó giúp các bên vừa giải quyết tranh chấp phát sinh, vừa có thể duy trì quan hệ đối tác.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2010), Luật Trọng tài thương mại, số 54/2010/QH12, ngày 17/06/2010;

2. Bộ Tư pháp (2018), Tài liệu Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam, ngày 07/06/2018;

3. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (2008-2020), Báo cáo hoạt động Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2019;

4. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (2018), Tài liệu Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hòa giải thương mại”, ngày 17/1/2018;

5. Mai Ca (2018), Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thấp, https://congthuong.vn/ty-le-doanh-nghiep-su-dung-trong-tai-thuong-mai-de-giai-quyet-tranh-chap-thap-107451.html.

TS. Lê Cương Kiên, Trường Đại học Trưng Vương

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 05/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phuong-thuc-giai-quyet-tranh-chap-kinh-doanh-bang-trong-tai-thuong-mai-trong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-328420.html