Phương thức tốt nhất
Vùng Vịnh những ngày cuối năm lại nổi sóng dữ dội, sau khi Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân cùng hai tàu tuần dương đi qua eo biển chiến lược Hoóc-mút nhằm biểu dương sức mạnh và răn đe I-ran, ngay trước thềm quốc gia Hồi giáo tổ chức kỷ niệm một năm Ngày Tướng C.Xô-lây-ma-ni bị sát hại. I-ran đã cảnh báo về 'lằn ranh đỏ' trước hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và đồng minh ở vùng Vịnh.
Vùng Vịnh những ngày cuối năm lại nổi sóng dữ dội, sau khi Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân cùng hai tàu tuần dương đi qua eo biển chiến lược Hoóc-mút nhằm biểu dương sức mạnh và răn đe I-ran, ngay trước thềm quốc gia Hồi giáo tổ chức kỷ niệm một năm Ngày Tướng C.Xô-lây-ma-ni bị sát hại. I-ran đã cảnh báo về "lằn ranh đỏ" trước hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và đồng minh ở vùng Vịnh.
Những đồn đoán về một cuộc chiến tranh nóng của Mỹ chống I-ran rộ lên khi chính quyền Tổng thống Ð.Trăm liên tục gia tăng sức ép đối với Tê-hê-ran vào thời điểm cuối nhiệm kỳ. Hải quân Mỹ mới đây thông báo, một tàu ngầm hạt nhân đã được triển khai tới vùng Vịnh. Trong cuộc biểu dương sức mạnh quân sự lần này, tàu USS Georgia chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng mang 154 tên lửa hành trình tiến công đất liền, đi cùng với hai tàu tuần dương USS Philippine Sea và USS Port Royale đã đi qua eo biển Hoóc-mút. Mặc dù được mô tả là hoạt động thường lệ, nhưng đây là lần đầu hải quân Mỹ tuyên bố công khai việc triển khai tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio đến vùng Vịnh kể từ năm 2012. Ðộng thái này diễn ra chỉ ít ngày trước thời điểm I-ran kỷ niệm một năm Ngày Tướng C.Xô-lây-ma-ni bị sát hại trong cuộc không kích của Mỹ ở I-rắc. Trước đó một tuần, lực lượng hải quân và không quân Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Không quân Hoàng gia và Hải quân Hoàng gia A-rập Xê-út ở vùng Vịnh.
Các hoạt động triển khai phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và đồng minh tới vùng Vịnh được cho là nhằm "răn đe" I-ran, quốc gia luôn bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc có âm mưu trả đũa vụ ám sát Tướng I-ran hồi đầu năm và một nhà khoa học hạt nhân I-ran gần đây. Căng thẳng giữa Mỹ và I-ran leo thang khi Tổng thống Ð.Trăm, dù không đưa ra bằng chứng, vẫn cáo buộc I-ran đứng đằng sau các vụ tiến công rốc-két nhằm vào vùng Xanh tại thủ đô Bát-đa của I-rắc, nơi có Ðại sứ quán Mỹ. Ông Ð.Trăm còn cho biết, đã nhận được thông tin về một số vụ tiến công khác nhằm vào công dân Mỹ tại I-rắc, đồng thời cảnh báo sẽ buộc Tê-hê-ran phải chịu trách nhiệm nếu có người Mỹ chết.
Những động thái đối phó I-ran được đưa ra trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Ð.Trăm là để khẳng định chính sách xuyên suốt là "gây sức ép tối đa" với Tê-hê-ran. Tháng 11 vừa qua, rộ lên thông tin Tổng thống Ð.Trăm từng yêu cầu các trợ lý cấp cao cân nhắc phương án tiến công cơ sở hạt nhân chính của I-ran, nhưng cuối cùng ông quyết định không thực hiện. Sau khi đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa I-ran và nhóm P5+1, chính quyền Tổng thống Ð.Trăm đã liêp tiếp gây áp lực lên Tê-hê-ran thông qua các "đòn trừng phạt". Bởi thế, những động thái gây sức ép gần đây của Tổng thống Ð.Trăm nhằm khẳng định lại quan điểm cứng rắn, trong bối cảnh người kế nhiệm có ý định đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân I-ran.
Khẳng định vùng Vịnh đóng vai trò rất quan trọng trong các chính sách an ninh và quốc gia, I-ran cảnh báo I-xra-en không vượt qua các "giới hạn đỏ" ở vùng Vịnh và khẳng định sẽ tự vệ trước những hành động "mạo hiểm" của quân đội Mỹ và đồng minh trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Ð.Trăm. Trong mối quan hệ đối đầu với Mỹ, I-ran đã tăng cường năng lực phòng thủ thông qua phát triển các loại vũ khí hiện đại. Nhằm ngăn chặn nguy cơ bị Mỹ tiến công, I-ran được cho là đang xây dựng hệ thống phòng không gần các cơ sở hạt nhân. Các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và I-ran khiến cho vùng Vịnh liên tục leo thang căng thẳng.
Trong bối cảnh cả I-ran và Mỹ cùng đồng minh gia tăng các hoạt động phòng thủ bởi lo ngại đối phương tiến hành các vụ tiến công bất ngờ, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế và trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Bởi, đây là thành quả quan trọng mà ngoại giao đa phương đạt được, là phương thức tốt nhất để thúc đẩy giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân I-ran, góp phần củng cố hòa bình, an ninh ở khu vực và quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuong-thuc-tot-nhat-630142/