Phương tiện bị tạm giữ, tịch thu: 30 ngày chủ không đến nhận sẽ sung công

Đó là một điểm mới tại Nghị định 31/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5. Theo đó, những phương tiện bị tạm giữ quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận, cảnh sát có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàng trăm ngàn phương tiện “vô chủ”

Tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, công tác tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông hiện nay của các cơ quan công an còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298.097 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ô tô, 3.959.404 mô tô (chiếm 92,1%) và 89.755 phương tiện khác (chiếm 2,1%).

Tính đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm: 772 ô tô (chiếm 0,6%), 134.073 mô tô (chiếm 98%) và 2.144 phương tiện khác (chiếm 1,6%). Trong đó, 116.782 phương tiện thuộc sở hữu của cá nhân (chiếm 85,2%), 320 phương tiện thuộc sở hữu của tổ chức (chiếm 0,3%) và 19.887 phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu (chiếm 14,5%).

Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 99.983 phương tiện còn sử dụng được (chiếm 73%); 37.006 phương tiện đã hư hỏng (chiếm 27%).

Tuy nhiên, thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Hầu hết các đơn vị tại công an các địa phương đều tận dụng trụ sở cơ quan để thực hiện công tác bảo quản phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính hoặc sử dụng nơi tạm giữ chung của nhiều đơn vị, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt, nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi làm nơi tạm giữ, có 32/63 địa phương còn đơn vị phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện.

Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải, tại nhiều địa phương nơi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn, dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ.

Liên quan đến những khó khăn về mặt pháp lý, ông Ngọc bày tỏ: Theo quy định tại khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong biên bản tạm giữ phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ. Do đó, khi tạm giữ phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phải có mặt tại hiện trường. Quy định này gây khó khăn trong quá trình tạm giữ vì người có thẩm quyền tạm giữ không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm để ký biên bản.

Cùng với đó, do thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như: Xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản đối với từng phương tiện.

“Nút thắt” được tháo gỡ

Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, tại Điều 17 về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời gian tạm giữ của Nghị định 31 quy định, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu bằng quyết định tịch thu của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Với quy định này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ không còn đau đầu với hàng trăm nghìn xe “vô chủ” tại các bãi xe mà không biết xử lý như thế nào. Ngoài ra, lực lượng công an cũng không phải thuê bãi, tốn chi phí trông xe vô thừa nhận như thời gian qua.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/van-ban-moi/phuong-tien-bi-tam-giu-tich-thu-30-ngay-chu-khong-den-nhan-se-sung-cong-500704.html