Phường Văn Quán: Phấn đấu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019
Xác định việc xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, cùng với đó là tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) phấn đấu năm 2019 sẽ tiếp tục trở thành phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sau thành công năm 2018...
Đánh giá về kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 8/5/2017 về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán cho biết: Năm 2018, UBND phường Văn Quán được công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Năm 2019, UBND phường đang phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đề nghị công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nhằm triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND phường Văn Quán đã ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm do UBND phường ban hành, triển khai tại địa phương.
Việc tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Viết bài, đăng tin trên hệ thống loa truyền thanh của phường; phát tờ rơi, tờ gấp; thông qua lồng ghép trong các cuộc họp ở tổ dân phố, các buổi sinh hoạt chính trị.
Bên cạnh đó, UBND phường chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phường, đặc biệt là công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ rà soát các chỉ tiêu xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, để triển khai thực hiện, UBND phường đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phân công công chức tư pháp – hộ tịch làm đầu mối theo dõi tham mưu thực hiện và chỉ đạo các ban, ngành, công chức để phối hợp để đạt các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Định kỳ hàng năm tổ chức tự đánh giá, chấm điểm của đơn vị, thông tin, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, phản ánh, đề xuất giải pháp về xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND phường bố trí kinh phí xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hằng năm tại địa phương.
Việc triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có những tác động tích cực đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Trong đó, nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc trên địa bàn phường. Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý Nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, PBGDPL, hòa giải cơ sở, giải quyết TTHC, phát huy dân chủ ở cơ sở ở cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Phường Văn Quán là phường loại 1 có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư ở khắp nơi trên cả nước tập trung đến, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế. Do vậy, trong quá trình phát triển có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến công tác xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, bà Vũ Thị Hà nói.
Bà Vũ Thị Hà cho rằng, nguyên nhân chính là hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành chưa có nghị định, thông tư hướng dấn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, nội dung, hình thức chưa phong phú nên mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Theo kiến nghị của bà Vũ Thị Hà, UBND quận Hà Đông nên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác theo dõi, chấm điểm, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí.
Tăng cường tính chủ động của cơ quan tư pháp các cấp, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; phát huy vai trò của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật trong tư vấn, tham mưu, đánh giá, công nhận xây dựng cấp xã đạt chuẩn pháp luật, bảo đảm việc đánh giá, công nhận khách quan, đúng pháp luật. Đồng thời, biểu dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để nhân rộng.
Là cán bộ phụ trách tư pháp – hộ tịch, bà Nguyễn Thị Mai Hiên chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai, chúng tôi gặp khó khăn trong tiếp cận các tiêu chí và chấm điểm, văn bản rườm rà, phức tạp. Những bỡ ngỡ ban đầu đã được khắc phục từ những văn bản chỉ đạo của UBND quận Hà Đông và UBND phường Văn Quán như Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 18-1-2017 về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn phường năm 2017 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, chúng tôi luôn đề ra những kế hoạch, phần việc cụ thể ngay từ đầu năm”.
Nhìn nhận thực tế về “điểm số” đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bà Mai Hiên cho rằng, vẫn có những khó khăn trong tính điểm các tiêu chí như trong năm không có công chức bị vi phạm, kỷ luật mức cảnh cáo trở lên. Tuy nhiên, trong thời gian họ vi phạm từ phường khác chuyển đến nhưng phường Văn Quán vẫn bị “trừ điểm” , hoặc có những vụ trọng án xảy ra trên địa bàn do người dân ở nơi khác chuyển đến làm giảm điểm so với kế hoạch ban đầu.
Theo bà Mai Hiên, bộ hồ sơ công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đơn giản. Trước khi gửi hồ sơ công nhận phường đạt chuẩn pháp luật” cần 1 bộ hồ sơ gồm: Công văn; Danh mục tài liệu kiểm chứng; Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng của công dân; Báo cáo đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm; Biên bản cuộc họp đánh giá của các ban ngành, đoàn thể địa phương. Phức tạp trong văn bản chính là phải scan tất cả các tài liệu kiểm chứng kèm theo để gửi lên quận xét duyệt.
ản thân là cán bộ tư pháp, bà Mai Hiên còn kiêm nhiệm nhiều việc. Bà Mai Hiên mong muốn cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ tư pháp và tổ chức nhiều buổi hội nghị, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách.