Phượt ở Australia
Đúng ra mà nói, tôi không phải là dân viết lách, là do anh Ba bạn tôi, nhắn qua messenger động viên. Và quả tình, nếu xem một số bài viết và câu chuyện cũng như một số vấn đề của các 'phượt thủ' trong nước, tôi cũng muốn chia sẻ như một cách để mọi người hiểu thêm cách mà dân phượt nước ngoài, họ đối xử với nơi họ đi qua ra làm sao.
Nhớ thời còn hay “đánh bóng mặt đường” với nhau, từ cách đây trên hai mươi năm, cả hội chúng tôi 8 thằng, 8 xe đủ chủng loại: Dream II, Dream “lùn”, WIN100, GN125, CD125 Benly, CB125T. Cũng đi lang thang khắp nơi: Lạng Sơn-Bình Gia-Văn Mịch, Cao Bằng, Bắc Kạn, Pác Bó. Rồi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, đèo Hoàng Liên Sơn. Nữa là Nam Định, Thái Bình, thậm chí xuôi Nam tới tận Huế, Đà Nẵng.
Hành trang buộc dây chun đằng sau xe gồm, ngoài chút tiền trong túi, một ba lô quần áo, đồ nghề vá săm xe máy, mấy gói mỳ ăn liền, đôi phong lương khô, nếu đúng dịp tết thì cái bánh chưng, cây giò để phòng lỡ độ đường. Phòng nghỉ đêm thì thường là điện thoại đặt chỗ trước khi đi, tuy nhiên, có một lần đến Sa Pa lúc sau nửa đêm, qua đường đèo Hoàng Liên Sơn (mặt đường cũ, chủ yếu là đất, đá, bùn), người ngợm, xe cộ lấm lem, tới nơi bị chủ khách sạn đuổi, không cho ở, vì... quá bẩn! Ăn uống dọc đường thì đến bữa gặp quán cơm nào ăn quán đó. Thực đơn khoái khẩu của anh em luôn là trứng tráng nóng hổi, cải ngồng xanh mướt xào tỏi và cơm trắng.
Tốt nghiệp đại học năm 1999, ra trường đi làm, cũng là lúc các chuyến đi vợi dần. Vài năm sau đó, từ “phượt” xuất hiện.
Khi nghe từ “phượt” những lần đầu tiên, tôi không chắc nghĩa của nó là gì nhưng đoán rằng “phượt” cũng tương tự như thời đó chúng tôi đi chơi khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước, trên chiếc xe máy thân yêu của mình. Anh Ba bảo, chú ở bên đấy (Úc) hay đi, thử viết xem “phượt ở bên Úc khác ở Việt Nam như thế nào”.
Sinh con đẻ cái, lập nghiệp ở Melbourne, Australia hơn chục năm qua nhưng tôi vẫn giữ cái thú chơi mô tô. Dạo này tôi chạy chiếc BMW F800GS, thuộc loại xe “đa năng”, chạy tốt cả đường bê tông nhựa và cả đường hiểm trở, khó đi. Động cơ 800 phân khối, giảm xóc cao, đủ khỏe và dã chiến để đi được nhiều nơi. Mang tiếng như vậy nhưng vướng bận gia đình và đi làm ăn nên tôi cũng chưa lần nào đi qua đêm cả. Hầu hết là các chuyến đi trong ngày, một mình phóng xe lang thang trong các khu rừng quốc gia.
Hành trang, ngoài chiếc bánh mì ăn trưa và bọc nước uống 2 lít, bao giờ tôi cũng buộc theo bộ đồ nghề sửa xe và vài phụ tùng thay thế. Quan trọng nhất là bộ đồ vá xe cùng bơm điện và một bơm tay để xơ cua. Rốt nữa là bộ pin dự phòng và cáp câu bình ắc quy. Căn bản là cái xứ Úc này đất rộng người thưa, có hôm đi 3 tiếng trong rừng không gặp một bóng người, lỡ xe hỏng thì phải tự vật ra mà sửa thôi.
Great Ocean Road, con đường dài 243km, lúc quanh co bên bờ Nam Băng Dương, lúc xuyên qua rừng quốc gia Otway, là một trong những điểm đến hàng đầu cho khách du lịch tới Úc. Nếu bạn là người mê xe cộ, chắc chắn sẽ yêu con đường này, bản thân tôi đã từng 6 lần lái ô tô ngược xuôi nhưng cưỡi 2 bánh thì lại chưa từng. Nhân dịp sắp được nghỉ phép, lại có Việt, thằng em họ, mới mua chiếc mô tô địa hình Yamaha, hai anh em rủ nhau đi khám phá con đường này và vùng rừng quốc gia Otway lân cận. Kế hoạch là, trong vòng 4 ngày 3 đêm, đi đến đâu hay đến đấy, mang lều trại ngủ ngoài trời.
Lên kế hoạch từ đầu năm cho chuyến đi vào tuần cuối cùng của tháng 4, tôi bắt đầu chuẩn bị xe cộ và hành trang. Vì chuyến này đi mấy ngày, cả đường nhựa và đường đất trong rừng, đường cát dọc bờ biển, lại chở nặng, nên tôi xác định sẽ chuẩn bị xe kỹ một chút. Ngoài việc bảo dưỡng, dầu mỡ định kỳ, tôi gửi bộ thụt trước và giảm xóc sau vào một hãng chuyên độ giảm xóc xe mô tô, để họ thửa các linh kiện và tinh chỉnh tính năng cho phù hợp với tải trọng và tính chất chuyến đi đường dài.
Ở nhà, tôi vật xe ra, tự thay mới toàn bộ vòng bi bánh xe, bi cổ phốt, thay nhông để đổi tỷ số truyền cuối lớn hơn cho phù hợp tải nặng và đường leo trèo gồ ghề. Ngoài ra, tôi đấu đường điện từ ắc quy ra bên hông xe để cắm bơm điện khi cần, đồng thời sạc điện thoại, máy quay video và các thiết bị khác.
Về đồ đạc cá nhân và đồ cắm trại, phải chuẩn bị những thứ sau: lều, bạt chống thấm nước dùng để trải bên dưới lều, đồng thời dùng để đồ nghề khi phải sửa xe bên vệ đường. Đệm hơi, túi ngủ (loại đủ ấm cho âm 7 độ C), gối hơi, đèn sạc USB để đọc sách. Bếp ga bỏ túi cùng bộ nồi, bình gas mini và bật lửa. Dao gấp đa năng, dao-dĩa-thìa ăn, bát thì khỏi mang vì nấu xong ăn trong nồi luôn. Vài gói mỳ tôm, thịt hộp, đôi gói cà ri gà ăn liền chuyên dành cho dân thám hiểm. 4 lít nước vừa để uống vừa nấu nướng. Xà phòng và giẻ rửa bát. Dầu gội đầu, xà phòng tắm, khăn tắm loại nhanh khô. Tý quên, một chiếc ghế bạt gấp loại siêu nhỏ, vì sau cả ngày ngồi xe máy mà không có cái ghế để ngồi thì oải lắm.
Tất nhiên, phải mang quần áo lót để thay và bít tất (tôi cho phấn rôm vào trong bít tất và ủng để chân khô ráo, không bị mùi hôi). Một bộ quần áo đi mưa đủ rộng để mặc trùm ra ngoài quần áo đi mô tô. Thuốc giảm đau, thuốc đau bụng, thuốc chống đầy hơi, bộ dụng cụ sơ cứu (First aid kit). Một thứ không thể thiếu là túi đựng rác. Ở Australia này, ít ai xả rác nơi công cộng. Ở khu vực thành phố, thị tứ thì luôn có thùng rác công cộng, còn ở những danh lam thắng cảnh xa hơn một chút thì có biển báo: “Nơi đây không có thùng rác, xin bạn vui lòng mang rác theo”. Ấy vậy mà trên rừng dưới biển vẫn sạch tươm. Thế mới thấy, ý thức con người quan trọng thật!
Dân dã ngoại hay thích mang theo chai rượu nho nhỏ để buổi đêm nhâm nhi bên đống lửa. Tuy nhiên, từ ngày kiêng hẳn rượu bia cách đây 1 năm, tôi đỡ hẳn mấy căn bệnh kinh niên. Thuốc lá thì đã bỏ hơn 8 năm nay. Vậy là bớt được 2 món phải mang, thế mà tổng cộng hành lý vẫn lên tới 34kg “cả bì”, trong đó: 10kg là đồ nghề và phụ tùng xe, 5kg nước, 6kg lều trại, 1kg đồ ăn hộp, còn lại là các đồ lặt vặt. Vợ tôi phán: “Về Việt Nam thăm nhà cũng không mang nặng thế này!”.
Ngày hôm sau, Thứ hai của lễ Phục Sinh, là ngày lên đường. Hôm nay Chủ nhật, tôi kiểm tra xe lần cuối: đèn đóm, bơm lốp, tra dầu, tăng xích, rồi chất đồ lên xe.
Sáng Thứ hai, gần đến giờ hẹn, Việt nhắn tin: “Bọc nước uống của em bị rò, ướt hết cả ba lô rồi, đang phải phơi, gần trưa em mới đến được nhé”. Vậy là xuất hành chậm hơn nửa ngày, cũng chẳng sao, đi đến đâu thì đến mà.
Trong lúc chờ Việt đến, vợ tôi rán bánh chưng ăn trưa. Bánh từ tết, mấy chiếc đặt người ta làm, để ngăn đá ăn dần. Bánh ăn rất rền, ngon chả kém bánh ở Việt Nam là mấy. Cách đây mười mấy năm, ở Hà Nội, có tin đồn vài lò bánh chưng cho pin cũ vào nồi luộc cho bánh chóng rền, thật thế thì độc phải biết. Chắc chỉ là tin vịt.
Dạo này cuối thu (ở Nam bán cầu, 4 mùa trái với ở Việt Nam, Bắc bán cầu. Cuối tháng 4 ở Úc là cuối thu, trong khi ở Việt Nam lại là cuối xuân), trời tối nhanh, biết hôm nay sẽ không đi được xa, tôi lên trang mạng của Parks Victoria (cơ quan nhà nước chuyên quản lý các công viên, rừng quốc gia) đặt chỗ ở Parker Hill, một khu cắm trại bên bờ đại dương nằm ở phần đầu của Great Ocean Road.
Tiền lệ phí là gần 30 đô-la Úc/đêm cho một khoanh đất dành cho 6 người cắm trại, trại này không có điện, cũng không có chỗ tắm giặt, chỉ có toilet và vòi rửa tay dùng nước mưa. Chỗ này cách nhà khoảng hơn 3 tiếng chạy xe, tôi tính cả đi, cả dừng nghỉ, chụp ảnh, đến nơi vẫn kịp dựng trại trước khi trời tối. Hơn 11 giờ, Việt tới, kéo cu cậu vào ăn miếng bánh chưng rán, rồi đúng Ngọ, hai anh em lên đường. Mấy mẹ con ra đầu ngõ vẫy chào.
Như thường lệ, tôi chạy lên trước dẫn đường. Xe của Việt là chiếc Yamaha WR250R, được tiếng là nhỏ nhắn, cơ động và dã chiến. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là động cơ nhỏ (250cc), đi đường cao tốc hơi vất vả. Phóng vè vè trăm cây một giờ, vòng tua máy rất cao nên hao xăng, bình xăng lại nhỏ, chỉ có 8 lít. Chạy được khoảng 100 km đường cao tốc, nghe loáng thoáng thấy Việt nói gì đó trong bộ đàm. Hai anh em dùng bộ đàm bluetooth gắn trong mũ bảo hiểm để nói chuyện với nhau trên đường. Tôi nhìn vào gương thì thấy Việt lấy tay chỉ vào bình xăng, ra điều sắp cạn.
Chạy thêm khoảng mười mấy cây thì thấy một cây xăng nhỏ bên tay phải, hai anh em bật đèn tín hiệu để tấp vào. Xe của cả hai chúng tôi, nhà sản xuất yêu cầu dùng xăng có octane tối thiểu là 95. Hiềm một nỗi, cây xăng kiểu “địa phương”, một kiểu cây xăng tư nhân nhỏ, không thuộc chuỗi của các nhãn hiệu lớn như Shell, BP... này lại chỉ có xăng 91. Mở Google Maps ra tra, thấy cây xăng gần nhất có Mogas 95 nằm cách trục đường chính khoảng 9km, hy vọng là tới được trước khi Việt hết sạch xăng.
Cậu đưa tôi cái can rỗng 1 ga-lông (đơn vị đo lường của Mỹ, tương đương 3,8 lít), rồi dặn: “Anh chạy sau, nếu thấy em tấp vào tức là em hết xăng, anh cứ chạy tiếp, đổ xăng vào can mang lại cho em!”. Ơ thế mà cuối cùng lại chạy được tới tận cây xăng, Việt bơm đầy bình, đầy cả can, tổng cộng là 12 lít. Tôi mới hết 1/3 bình (xe tôi 16 lít) nhưng cũng đổ đầy luôn vì đằng nào cũng một công dừng lại.
Quay trở lại đường trục, Anglesea, điểm bắt đầu của Great Ocean Road, còn cách không xa, hai anh em phấn khích tăng ga. Đến đây nói thêm, hôm nay là Easter Monday, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Phục sinh, dân tình kéo trở về thành phố, khiến chiều ngược lại xe đông kinh khủng, nhất là ở các nút giao.
Tuy nhiên, tuyệt đối không có cảnh xe chen nhau dẫn đến nêm cối, mà vẫn rất trật tự, cứ 1 xe từ dòng nọ lại đến 1 xe dòng kia, nhìn nhau mà đi, chầm chậm nhập vào đường chính. Thật may là chúng tôi lại hướng ra ngoài, nên đường thoáng. Ấy thế mà khi bắt đầu vào Great Ocean Road, cả 2 chiều đều tương đối đông xe, đúng là con đường du lịch có khác.
Đường chạy quanh co uốn lượn, một bên là vách núi, bên kia là đại dương sóng bạc đầu, chạy xe phải nói là mê ly. Tốc độ giới hạn là 80km/h nhưng nhiều khi gặp phải một tay lái yếu, đi chậm 40-50 km/h quanh các khúc cua, làm cả đoàn xe phải đi chậm theo sau. Phải nói rằng ý thức tham gia giao thông ở Australia tốt thật, không ai vượt lấn làn cả. Chỉ có điều, thi thoảng, có những đoạn đường tránh cho các xe nhanh vượt lên, mặc dù có biển báo hẳn hoi nhưng không phải ai cũng biết tuân theo.
Dọc đường có các điểm dừng xe để ngắm cảnh, đây là lần đầu Việt chạy đường này nên tôi bảo cậu em lên chạy trước, thấy chỗ nào muốn dừng ngắm cảnh hay chụp hình thì cứ tự nhiên. Đường hẹp nên chỉ có thể dừng ở những điểm ngắm cảnh chứ không thể dừng đỗ bừa bãi được. Dân tình cũng rất có ý thức tuân thủ vì biết rằng với tốc độ và mật độ xe như vậy, nếu dừng đỗ bừa bãi thì tai nạn là không thể tránh khỏi). Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ vừa chạy xe vừa dừng chụp ảnh đôi lần, chúng tôi rẽ vào con đường dẫn đến trạm hải đăng Otway, cũng là lối vào khu cắm trại Parker Hill, vốn nằm trên một ngọn đồi bên bờ đại dương sóng vỗ.
Đoạn 2 cây số cuối cùng trước khi vào Parker Hill, đường mòn trên cát xuyên rừng bạch đàn (loài bạch đàn thấp mọc gần bờ biển, vì gió lớn nên cây không mọc cao được), xe đi tròng trành nhiều lúc muốn ngã, cậu em la oai oái vì chưa trải nghiệm trước đây. Đến đây phải nói thêm, năm ngoái tôi đi học một lớp chạy xe địa hình do Honda tổ chức, kéo dài 2 ngày, học đi các địa hình bùn, cát, đá dăm, đá hộc, vượt chướng ngại vật, rồi sau đó cũng thực hành kha khá nên có phần tự tin hơn, đâm ra là thích nhiều hơn sợ.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/phuot-o-australia-550114/