Phượt thủ bất chấp cảnh báo, khiến người khác phải mất mạng
Trong lúc cứu nhóm người đi lạc trong rừng, một công nhân rơi xuống vách núi tử vong. Các phượt thủ bất chấp cảnh báo nguy hiểm, cố đi vào rừng để khám phá và hậu quả đau lòng cho người khác.
Đà Nẵng chia buồn và cảm ơn người dũng cảm
UBND TP.Đà Nẵng ngày 29-8 gửi thư chia buồn đến gia đình, cha mẹ, vợ con anh Trần Long Khải (SN 1989, ngụ thôn 9, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) – người đã dũng cảm, hy sinh cứu người gặp nạn ở khu vực Mũi Nghê (bán đảo Sơn Trà, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) vào tối 27-8.
Vào chiều 27-8, nhóm du khách gồm chị Đinh Ngọc Minh (27 tuổi), anh Trần Hữu Minh Sang (26 tuổi), anh Lê Nguyễn Tú (24 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) và chị Bùi Thị Thảo Nhi (19 tuổi, ngụ Thừa Thiên Huế) tham quan trên bán đảo Sơn Trà thì bị lạc. Do mưa lớn và trời tối, anh Tú rơi xuống vực chấn thương đầu, gãy chân, 3 người còn lại kêu cứu.
Anh Trần Long Khải và anh Mai Xuân Minh (SN 1985, ngụ tổ 25, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đang câu cá ở dưới biển Mũi Nghê nghe kêu cứu nên chạy đến. Anh Khải trèo lên vách núi để tiếp cận mọi người, không may rơi xuống vực.
Nhận được tin báo, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an TP.Đà Nẵng, Công an Q.Sơn Trà, Công an P.Thọ Quang… đến hiện trường. Công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do vực sâu, địa hình hiểm trở, trời tối, mưa lớn.
Sau nhiều giờ nỗ lực, đến 3 giờ 30 ngày 28-8, các lực lượng cứu được anh Tú, đưa đi bệnh viện cấp cứu; đưa nhóm người bị lạc ra khỏi rừng. Mọi người tìm thấy anh Khải thì anh đã tử vong do đầu đập vào đá.
Chính quyền, lực lượng chức năng, người dân bày tỏ sự tiếc thương, đau xót trước cái chết thương tâm và xúc động, cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp, dung cảm của anh Khải và anh Minh. Gia đình anh Khải rất khó khăn khi có vợ và 2 con nhỏ ở quê. Anh ngày đi làm công nhân, sau giờ làm thì đi câu cá biển để kiếm thêm thu nhập.
Trong thư, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đối với hành động dũng cảm của anh Khải và anh Minh. “...Đặc biệt là anh Khải đã quên mình để tìm cách cứu người bị nạn trong đêm tối và địa hình rừng núi nguy hiểm. Sự dũng cảm, sẵn sàng vì người khác của anh Khải là điều vô cùng trân quý. Sự ra đi đột ngột của anh Khải, trụ cột của gia đình là một mất mát không gì bù đắp được đối với gia đình. Chúng tôi hy vọng gia đình sẽ sớm vượt qua được nỗi đau này, mong hai con của anh Khải sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc...”.
UBND TP.Đà Nẵng cũng gửi lời cảm ơn đến các lực lượng chức năng đã sớm có mặt, không quản thời tiết mưa gió, đêm tối, nguy hiểm để hỗ trợ, cứu những nguời bị nạn; đồng thời, khuyến cáo mọi nguời dân, nhất là các bạn trẻ hãy cẩn trọng khi đi tham quan, du lịch tại các địa điểm du lịch nói chung, tại Đà Nẵng nói riêng, tuân thủ các biển báo cấm, biển báo nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Ông Dũng mong muốn: “Các bạn hãy là những du khách, những công dân có trách nhiệm để không còn xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên”.
Sự liều lĩnh của du khách đã đánh đổi bằng tính mạng người khác
Khu vực các phượt thủ bị lạc đã được cảnh báo là nguy hiểm, con người không nên tiếp cận. Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng bán đảo Sơn Trà và chính quyền địa phương, ngành chức năng đã cho đặt biển cảnh báo ở đây. Nhóm du khách trên đi lạc tại tuyến rừng từ điểm du lịch Cây đa đại thụ theo đường mòn hướng ra biển về khu vực Mũi Nghê, giáp biển.
Đây là rừng nguyên sinh, chưa có chủ trương khai thác du lịch. Nơi đây có đường dân sinh, người dân hay đi câu cá qua lại nên một số du khách cũng theo lối mòn để đi vào khám phá bán đảo Sơn Trà. Đường đi vào khu vực Mũi Nghê rất nguy hiểm, dễ bị lạc vào rừng nên BQL bán đảo Sơn Trà đã cắm bảng lớn ngay đầu tuyến để cảnh báo du khách và cắt cử nhân viên trật tự nhắc nhở du khách không cho xuống.
Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn bất chấp biển cảnh báo và sự ngăn cản của nhân viên trực, đã cố gắng tìm cách lội bộ vào tuyến đường rừng để dẫn đến những sự cố đau lòng. Trước đây từng có khách nước ngoài đi lạc trong rừng và chính quyền, các lực lượng, ngành chức năng đã rất vất vả để tìm kiếm, cứu hộ.
Theo tường trình của nhóm người đi lạc, họ thấy, biết sự việc trên nhưng vì tò mò, vì muốn khám phá, trải nghiệm và thấy một số người khác cũng đi vào khu vực trên nên cũng đi cho biết. Họ phân trần là chỉ định xuống thăm quan ở Mũi Nghê xong rồi quay lại vị trí ban đầu, không có ý định ở lại ban đêm.
Trong lúc đi lạc, anh Tú rơi xuống vực, bị thương và những người còn lại kêu cứu. Sau đó anh Khải và anh Minh tiếp cận để cứu giúp thì anh Khải gặp nạn, tử vong. Đến 4 giờ 30 rạng sáng, nhóm du khách được cứu an toàn, đưa về trụ sở biên phòng để chăm sóc y tế và thất kinh khi nghe tin anh Khải trong lúc cứu mình đã tử vong.
Nhóm phượt thủ rất đau buồn, hối hận trước việc làm của mình khi đã bấp chấp cảnh báo để vào khu vực nguy hiểm sau đó phải đánh đổi tính mạng của người khác.