Phút nóng giận đẩy mình thành nghịch tử

Dù hiện tại, tương lai hay hay có kiếp sau, có lẽ Nguyễn Minh Tới vẫn không thể nào tha thứ cho bản thân. Dù muốn dù không thì sự thật hiện hữu, Tới chính là người đã tước đi mạng sống của cha…

Nguyễn Minh Tới vô cùng ân hận khi tước đi mạng sống của cha.

Nguyễn Minh Tới vô cùng ân hận khi tước đi mạng sống của cha.

Đi làm về, Nguyễn Minh Tới (1999, trú TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) thực sự thấm mệt, anh ta chỉ muốn một chút yên ổn để lấy lại sức nhưng kỳ thực không thể được. Cũng cố gắng để ngoài tai những lời chì chiết, miệt thị, chửi rủa không đầu không cuối của người cha nát rượu, vậy mà đến cùng vẫn không thể làm.

Nguyễn Minh Tới cảm thấy trong lòng cực kỳ buồn bực, kiểu như có một thứ rất lớn, rất nặng đè lên lòng ngực anh đến không thể nào thở nổi. Tới tiến đến chỗ cha nằm, giữ chặt cánh võng, dùng sức kéo đến trước mặt mình, gằn lên “Tại sao, tại sao để cho tôi được sống bình yên với ông khó khăn đến vậy?”. Khóe mắt đã đỏ ngàu, Tới nhìn người đàn ông trước mặt, người đã sinh ra anh, rốt cuộc đã bao giờ yêu thương anh thật lòng? Ông Nguyễn Huấn ngẩn ra, nhìn Tới. Rõ ràng ông nhìn thấy ánh mắt của con trai mình đầy thống khổ nhưng rồi chỉ trong một cái chớp mắt, ông lại tiếp tục “nhã” vào mặt con những lời nghe mà nát lòng.

Những lời chửi bới, thách đố của ông Huấn cứ dội thẳng, len lõi vào từng ngóc ngách khiến đầu óc Tới trở nên u mê, cho nên chẳng nghĩ được gì nhiều Tới đã lấy can xăng có sẵn trong nhà đổ lên võng nơi ông Huấn đang nằm, bật lửa. Tình cha con phút chốc bị ngọn lửa thiêu rụi. Mặc dù bừng tĩnh ngay sau khi thấy cha trở thành ngọn đuốc sống, nhưng mọi sự cố gắng cứu vãn của Tới và người thân đều trở nên bất lực. Sau một thời gian chữa trị ông Huấn đã tử vong vì vết thương quá nặng và Tới mang trọng tội “Giết người”.

Bà Trần Thị Bình đối diện với hai nỗi đau giằng xé, chồng chết, con trai vướng cảnh tù tội. Bà giận chồng, thương con trai, chung quy lại là hai chữ đớn đau. Bà giận chồng vì suốt ngày chìm ngập trong rượu chè, chửi bới. Bà giận chồng vì sống mà cứ u u, mê mê chỉ nghĩ đến bản thân mà chẳng nghĩ đến vợ con và cuộc sống xung quanh. Bà khổ vì ông là một nhẽ, bà sẽ vì chồng và vì các con mà chịu đựng nhưng ông Huấn thì không thế. Chẳng biết từ bao giờ mọi công việc gia đình ông không màng đến, điều ông làm chỉ có thể dừng lại ở việc mắng vợ chửi con. Lâu dần bà Bình gần như sống lầm lũi trong cam chịu. Bà nói, đó là vì gia đình và vì các con.

Người phụ nữ ấy đã nhiều lần thầm mắng, người đàn ông ấy sao có thể vô tâm, vô tư đến vô tình như thế? Bà có thể chịu đựng được nhưng bà biết điều đó thật khó đối với các con. Thực lòng mà nói, bà đã không ít lần nghĩ đến những chuyện tồi tệ, có điều bà cố tình đánh lừa suy nghĩ của mình, hoặc muốn đẩy nó ra thật xa. Bởi bà biết, dù xấu xa, dù bất nhẫn thì ông ấy cũng là chồng bà, là cha của các con, cho nên cái bà muốn cũng chỉ là mọi sự “chín bỏ làm mười”.

Bà nhớ, có bận bà khuyên ông nên thay đổi, giả sử con cái có gì sai làm cha làm mẹ cũng không nên quá nặng nề… đằng này con cũng chí thú làm ăn sao ông cứ khắt khe, chửi bới? Ông Huấn cho rằng bà coi thường ông, dạy đời ông mà quay sang chửi bà không tiếc lời. Đôi lần vì thấy bế tắc đến mức bà cảm thấy ân hận vì đã chọn ông là người “ăn đời ở kiếp”. Đôi lúc đối diện vẻ mặt cong cớn đay nghiến vợ con của ông, thật tình bà cũng chỉ muốn lao vào cấu xé ông đến đâu thì đến rồi tự kết liễu đời mình. Có lẽ chỉ những ai sống trong cảnh ấy mới hiểu tâm trạng này của bà Bình. Nhưng rồi bà Bình không làm được, cuối cùng, bà cũng đành chịu chọn lựa nhẫn nhịn để nhà cửa được yên. Bây giờ nghĩ đến chồng đến con trai, cõi lòng bà thêm tan nát.

Ngày ra tòa, vừa nhìn thấy mẹ, Tới đã khóc. Tới biết, chỉ vì không kiềm chế được cơn nóng giận bây giờ cha đã không còn, mẹ sẽ sống những ngày day dứt, đớn đau. Khi được nói, Tới đã nói những lời như rút từ ruột gan của một đứa con bất hiếu. Bây giờ thì Tới hết sức ân hận, việc giận cha mình thường xuyên say xỉn, chửi bới trong thời gian dài và hôm xảy ra vụ án như một giọt nước tràn ly. Tới có thể kiềm chế, có thể bỏ đi nhưng sao hôm ấy Tới đã không làm. Có thể nếu Tới làm được như vậy thì đã không có chuyện đau lòng của ngày hôm nay, có thể…!

Bà Bình nhạt nhòa nước mắt, muốn nói với Tới vài lời hỏi thăm, an ủi nhưng lời chưa thốt ra cổ họng đã nghẹn cứng. Đặc biệt khi nhìn thấy con trai tiều tụy đi nhiều lòng bà càng thắt lại. Bà kể, ông bà có được 3 người con trai, Tới là con thứ hai trong gia đình. Anh trai Tới sinh ra không may mắn mắc phải bệnh hiểm nghèo, sau Tới còn một em trai đang tuổi đến trường. Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tới gác lại khát khao đến trường để trở thành lao động chính trong gia đình. Biết con trai phải chịu thiệt thòi, bà càng thương nhưng đến cùng bà không hiểu vì sao con đã vất vả cực nhọc như vậy để mưu sinh nhưng vẫn luôn là cái gai trong mắt ông Huấn.

Hành vi của Nguyễn Minh Tới là nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; xâm phạm đến tính mạng người khác một cách trái pháp luật; gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Việc xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự nhằm góp phần trừng trị, răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm, HĐXX TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tới 20 năm tù về tội “Giết người”.

20 năm! Quả thực quá dài đối với bà Bình và Tới. Bà Bình chưa hình dung được những ngày tháng sau khi Tới đi tù cuộc sống gia đình bà sẽ như thế nào. Con trai bà mới 21 tuổi, ở độ tuổi đẹp nhất của đời người đã phải chịu tai ương. Còn Tới, ngần ấy năm có thể quá đủ để Tới trưởng thành, chín chắn… nhưng ngần ấy năm cũng sẽ thay đổi số phận một con người. Tới đã có đủ tâm lý để thực hiện thứ mà người ta gọi là trả giá nhưng Tới không cam lòng khi nhìn cảnh mẹ già đau đớn, anh trai chật vật sống và cả đứa em có nguy cơ dang dở học hành.

Nhìn mẹ rồi lén đưa tay lau nước mắt, Tới quay lưng rời đi. Những tiếng ồn ào của phong xử án đã dần trôi qua, bên tai Tới chỉ còn láng máng tiếng vọng của mẹ “mẹ xin lỗi, con nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng suy nghĩ nhiều”.

Đứng ngẩn người cho đến khi sân tòa vãn, bị đẩy về với thực tại… “20 năm tù…”, bước chân bà Bình trở nên chuệch choạng. Con đường về nhà của bà và cả Tới bỗng chốc mà trở nên sâu hun hút và lạnh lẽo!.

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)

Nguyễn Minh Tới vô cùng ân hận khi tước đi mạng sống của cha

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/phut-nong-gian-day-minh-thanh-nghich-tu-59644.html