'Picas Sơn' 21 năm vẽ nàng Kiều
Là người nổi tiếng trong các tác phẩm vẽ Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được biết đến với nghệ danh 'Picas Sơn' – 21 năm vẽ Kiều nhưng chưa từng bán đi 1 bức.
Chưa bán đi 1 bức tranh Kiều nào trong suốt 21 năm qua. Lặng lẽ tìm tòi, âm thầm vẽ để rồi anh “bật ra” triển lãm đầu tiên về những bức tranh vẽ về Truyện Kiều.
Thầy giáo vẽ Kiều
Từ cuối tháng 11/2020, triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn do Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền phối hợp thực hiện giới thiệu 96 tác phẩm minh họa Truyện Kiều, được lựa chọn ra từ hơn 5.000 phác thảo và tác phẩm cùng đề tài của họa sĩ sáng tác trong suốt 21 năm qua.
Là một họa sĩ được biết đến với vai trò Tổ trưởng Bộ môn Mỹ thuật của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1999, Nguyễn Tuấn Sơn bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Anh còn là nhà sưu tập Truyện Kiều cổ xưa với nghệ danh “Picas Sơn”, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò.
Khát vọng vẽ Kiều trong Nguyễn Tuấn Sơn đã có từ rất lâu. Anh nói rằng, từ nhỏ đã được ông nội đọc và giảng cho nghe rất nhiều về Truyện Kiều. Từ đó, Sơn rất thích những bức vẽ Kiều minh họa từ các cuốn sách cũ.
Từ năm 1999, anh đã thử sức vẽ Kiều và nhận ra đó là con đường cực kỳ gian nan. Hình ảnh Kiều đâu chỉ là một cô gái xinh đẹp đến độ “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Kiều còn là một giá trị chưa gọi thành tên, là điều gì đó mơ hồ.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nói rằng, chính PGS Vũ Thanh ở Viện Văn học đã giúp anh tìm kiếm các công trình nghiên cứu có giá trị về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ các nghiên cứu đó, anh đã đàm đạo về các nhân vật, tìm hiểu những cách hiểu mới nhất về tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau.
Nguyễn Tuấn Sơn nhận ra rằng cần phải vẽ Kiều, tưởng tượng ra Kiều bằng xúc cảm, bằng biểu hiện của nội tâm, tâm lý và những năng lượng từ bên trong của người nghệ sĩ. Và sau bao trăn trở, anh đã tìm ra tiếng nói của riêng mình - đó là cách thể hiện Kiều theo lối trừu tượng - biểu hiện.
Với hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn không chỉ bén duyên mà đã đi sâu vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt.
Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.
Vẽ Kiều xưa để thấy người nay
Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn mang một phong cách hoàn toàn mới lạ. Những nét vẽ khỏe khoắn, dày đậm đặc tả những nhân vật trong tác phẩm, cho dù đó là Mã Giám Sinh, thằng bán tơ hay những cô gái trong vòng kim cô của Tú Bà.
Còn nàng Kiều, mang một vẻ buồn ngơ ngác với cây đàn tỳ bà hoặc đàn nguyệt. Những hình ảnh về các nhân vật trong Truyện Kiều của anh dường như đã thoát khỏi những quan niệm xưa cũ.
Họa sĩ Kù Kao Khải nhận xét, tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật truyền thống. Trong những “Chàng Kim”, “Bốn dây như khóc như than”… đâu đó thấp thoáng những đường nét của điêu khắc đình làng, của lễ hội, của những vở chèo sân đình, phối hợp với những đường nét khỏe khoắn và chất liệu hiện đại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cho rằng: Đã có rất nhiều danh họa Việt Nam vẽ Kiều, đó là những tài năng như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Và các tác phẩm của họ hoàn toàn có khả năng diễn tả được những tư duy và tình cảm sâu sắc nhất của chúng ta. Nhưng cũng rất lâu rồi, thiếu vắng những cây cọ vẽ Kiều.
Vậy là Nguyễn Tuấn Sơn xuất hiện, nhưng sự xuất hiện ấy không dễ gì được chấp nhận. Giới hội họa vốn khó tính, ít ưa nhau và thường hay bỉ bôi tác phẩm của người khác nên “Picas Sơn” buộc phải quyết liệt. Bản thân phải trở thành một người nghiên cứu về Kiều, sưu tầm Truyện Kiều, và trước hết phải đủ bản lĩnh “gieo mầm” nghệ thuật Kiều cho chính các học sinh mà mình đang dạy.
Thế rồi, anh trở thành một diễn giả về Kiều, thành một người minh triết Truyện Kiều bằng các phép vẽ minh họa. Anh tìm ra cách diễn tả xúc cảm về nàng Kiều đối với đời sống xã hội hiện đại, giống như người thợ tìm ra bí quyết mở khóa trong khi chiếc khóa đó không có chìa mở.
Từ khi tìm ra mối lương duyên với Kiều, Nguyễn Tuấn Sơn biết rằng Kiều đã thành một hình mẫu ước lệ, có trong nhịp thở của mỗi người Việt Nam. Thế nên anh phải trình bày Kiều một cách sáng tạo, mới nhưng phải thuần khiết. Anh không ngại tuyên bố rằng, không thể vẽ một nàng Kiều bằng da bằng thịt mà phải bằng nội tâm và nội lực của một người yêu Kiều.
Lướt qua 96 bức tranh của Nguyễn Tuấn Sơn, người xem dễ dàng nhận ra những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa. Người xem sẽ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, để từ đó nhìn ngắm lại cuộc sống hiện tại với những khuôn mặt, thân phận bị cuộc đời hắt hủi.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978 tại Hưng Nhân (Hưng Hà - Thái Bình). Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Hơn 20 năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, Nguyễn Tuấn Sơn còn nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu ra thế giới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/picas-son-21-nam-ve-nang-kieu-TeaIdN1GR.html