Pickleball - làn gió mới

Dù chỉ mới 'đổ bộ' vào Huế vài tháng trở lại đây nhưng bộ môn Pickleball đã nhanh chóng thu hút lượng người chơi 'khủng'. Thú vị, dễ chơi, mang nhiều năng lượng tích cực…, Pickleball mang một làn gió mới đến với phong trào thể thao tỉnh nhà.

 Pickleball hứa hẹn sẽ phát triển ngày càng rộng rãi, mang lại nhiều điều thú vị cho người chơi

Pickleball hứa hẹn sẽ phát triển ngày càng rộng rãi, mang lại nhiều điều thú vị cho người chơi

Lan tỏa năng lượng tích cực

Pickleball ra đời vào năm 1965 tại Washington (Mỹ). Joel Pritchard - cố Hạ nghị sĩ Mỹ, cùng với hai người bạn là Bill Bell và Barney McCallum được cho là những “ông tổ” của môn thể thao này. Phát triển mạnh mẽ từ những năm 1990, Pickleball nhanh chóng được lan tỏa ra các nước trên thế giới. Pickleball được bình chọn là môn thể thao phát triển nhanh nhất trong thời gian ngắn mà khó có bộ môn thể thao nào có thể làm được. Tại Huế, Pickleball phát triển có phần muộn hơn so với một số tỉnh, thành trên cả nước, tuy nhiên bộ môn này nhanh chóng thu hút đông đảo những người đam mê thể thao tham gia.

Pickleball là một môn thể thao đánh bóng đối kháng bằng vợt. Bộ môn này cũng cần sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như: vợt, bóng Pickleball và lưới. Điều đặc biệt là vợt và bóng của môn này khá nhẹ. Mọi người có thể dễ dàng tìm mua vợt, bóng cũng như trang phục của bộ môn này ở tất cả các cửa hàng thể thao tại TP. Huế.

Được xem là một trong những người đầu tiên đưa bộ môn Pickleball về Huế, TS. Nguyễn Thế Tình, Phó Trưởng khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế, cũng là một trong 4 huấn luyện viên cấp 1 quốc tế (IPTPA) tại Huế bộ môn Pickleball cho biết: “Từ đầu năm 2023, khi dẫn dắt đội tuyển Bóng đá sinh viên Đại học Huế đi thi đấu ở TP. Hồ Chí Minh thì tình cờ được giới thiệu và trải nghiệm bộ môn Pickleball. Nhận thấy bộ môn này khá mới mẻ, có nhiều điểm thú vị nên mình đã mua vợt, bóng, lưới mang về Huế, giới thiệu cho các đồng nghiệp và bạn sinh viên Đại học Huế, đồng thời lan tỏa đến cộng đồng đam mê thể thao về bộ môn này tại Huế”.

Pickleball là sự kết hợp toàn diện về tư thế, chiến thuật, sức khỏe, kỹ thuật chơi... Theo TS. Nguyễn Thế Tình, đây là môn thể thao đòi hỏi không quá cao về kỹ thuật và sự khéo léo, thể lực cũng không quá nhiều nếu dùng cho người chơi vì mục đích sức khỏe. Điều này khiến bộ môn Pickleball dễ dàng tiếp cận với đại đa số người dân, đặc biệt là người có độ tuổi trung niên, phụ nữ và trẻ em cũng có thể chơi được một cách dễ dàng. “Đơn giản, dễ hiểu, dễ chơi, Pickleball là bộ môn không từ chối bất kỳ người chơi nào”, TS. Thế Tình cho hay.

Ưu điểm của bộ môn Pickleball là chi phí đầu tư vừa phải, phù hợp với nhiều đối tượng. Chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng, người chơi có thể tìm mua cho mình một cây vợt Pickleball. Về trang phục, tùy sở thích mỗi người mà có thể lựa chọn trang phục phù hợp, tiện lợi và thoải mái.

Pickleball là bộ môn năng động, không đòi hỏi người chơi vận động với cường độ quá cao. Một số người gặp các vấn đề về xương khớp hay chấn thương nhẹ có thể tập luyện Pickleball mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe. Ngoài ra, Pickleball còn tạo được hiệu ứng và kết nối cộng đồng tốt. Tuy không được coi là trào lưu, nhưng Pickleball hứa hẹn sẽ phát triển ngày càng rộng rãi, mang lại nhiều điều thú vị cho người chơi.

Lạ mà quen

Theo TS. Nguyễn Thế Tình, luật chơi Pickleball khá đơn giản và dễ hiểu. Sân Pickleball nhỏ hơn sân tennis, có thể là sân ngoài trời, có mái che hoặc sân trong nhà. Lưới thấp hơn và được chia ra 2 phần bằng nhau bởi một đường trung tâm. Pickleball giao bóng chéo về phần sân của đối phương. Điểm được ghi khi đối thủ không trả được bóng hoặc vi phạm các quy tắc của trò chơi. Mỗi game 11 điểm, 15 điểm hay 21 điểm, người chơi phải hơn đối phương 2 điểm, hoặc tính điểm chạm để giành chiến thắng (tùy theo Điều lệ)

Vợt và bóng Pickleball thường làm bằng gỗ hoặc composite. Mặt vợt Pickleball lớn hơn vợt cầu lông, nhỏ hơn vợt tennis. Bóng Pickleball có nhiều lỗ nhỏ và làm bằng nhựa, nảy tốt hơn bóng tennis.

Anh Nguyễn Thắng Thịnh, sinh năm 1993, TP. Huế chia sẻ: “Mình biết đến bộ môn Pickleball khoảng 3 tháng trở lại đây. Với mình, đây là bộ môn vừa mới mẻ nhưng cũng vừa thân quen, bởi trước đây mình đã từng chơi cầu lông trong nhiều năm nên khi chơi Pickleball mình nhập cuộc khá nhanh. Chỉ cần qua một khóa huấn luyện trong thời gian ngắn mình đã có thể thành thạo luật chơi cũng như các lối đánh sao cho dễ ghi điểm và dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện ổn định các kỹ năng”.

Đều đặn 3 buổi mỗi tuần, sau khi tan làm, chị Phạm Hoàng Khánh Linh, trú tại phường Xuân Phú, TP. Huế cùng bạn bè có mặt tại sân Pickleball để cùng nhau luyện tập. “Trước đây mình từng chơi tennis, từ khi Huế phát triển bộ môn Pickleball, mình rủ bạn bè tập thử thì ai cũng thích. Bộ môn này khá hợp với phụ nữ bởi lối chơi nhẹ nhàng, vợt và bóng cũng nhẹ hơn so với quần vợt nên thao tác cũng dễ dàng hơn”, chị Khánh Linh hào hứng.

Với độ “hot” của Pickleball, hiện nay tại Huế đã có hơn 20 sân tập được mở ra cùng với các lớp học, tập luyện được chiêu sinh liên tục. Nhiều sân tập thể thao, sân cơ quan, đơn vị đã chuyển đổi thành sân Pickleball để phù hợp với nhu cầu của người chơi. Hiện nay, tuy chưa có nhiều huấn luyện viên cho bộ môn Pickleball tại Huế nhưng cũng đã bắt đầu có những huấn luyện viên được đào tạo bài bản, có các chứng chỉ huấn luyện chuyên nghiệp.

Thái Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/the-thao-trong-nuoc/pickleball-lan-gio-moi-146178.html