Pin oxygen giúp thiết bị cấy ghép không phải thay pin
Thông thường, các thiết bị cấy ghép y tế hiện nay thường phải thay pin định kỳ hoặc sạc lại. Để khắc phục, các chuyên gia ở ĐH Thiên Tân (Trung Quốc) đã cho ra đời loại pin mới, giúp loại bỏ cách dùng pin như hiện nay, đặc biệt là không cần phẫu thuật xâm lấn để thay pin.
Loại pin oxygen này đã được thử nghiệm trên chuột, nó có thể cung cấp năng lượng ổn định và tương thích với cơ thể của chuột. Về cơ bản, pin oxygen sử dụng nguồn cấp oxygen cho cơ thể để tạo ra năng lượng.
Thí nghiệm cho thấy, pin có thể tạo ra điện áp từ 1,3 đến 1,4 volt với mật độ điện 2,6μW/cm2. Mức công suất này tuy chưa đủ để cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế cấy ghép nhưng tương lai, sau khi được cải tiến, nâng cấp, nó sẽ đạt ngưỡng điện áp cần thiết.
Ngoài công suất, pin cũng đã được thử nghiệm "phản ứng phụ" trên loài gặm nhấm. Kết quả các phản ứng viêm nhiễm cũng như thay đổi về chuyển hóa và sinh sôi tế bào quanh pin đều nằm ở mức an toàn, chuột không có biểu hiện viêm nhiễm hay ốm đau nào vì pin.
Các phản ứng hóa học do pin oxygen gây ra như ion muối, ion hydroxide và hydrogen peroxide không đáng kể, không gây ảnh hưởng xấu nào đến các bộ phận nội tạng của chuột.
Ngoài pin oxygen nói trên, nhóm nghiên cứu ở ĐH Thiên Tân còn dự định dùng cơ chế của pin này để điều trị ung thư. Vì những loại pin này có thể tiêu diệt các khối u ung thư cần nhiều oxygen bằng cách rút oxygen mà các khối u đó cần.
Tuy mới ở mô hình nhưng hy vọng, loại pin mới này sẽ mở ra cơ hội trong việc cung cấp năng lượng cho các thiết bị vận hành trong môi trường đặc biệt, nhất là mục tiêu chữa bệnh cứu người.