Plaza Mayor, quảng trường đẫm máu
Một ngày nắng đẹp. Ôi quảng trường! Ôi Madrid! Ôi Tây Ban Nha! Với một người châu Á, lại đến từ một đất nước không có nhiều quảng trường, nơi mà quảng trường chủ yếu gắn với yếu tố lịch sử, chính trị, thì quảng trường ở châu Âu mang một không khí hoàn toàn khác. Cái khác ấy đang khiến tôi rung động.
1. Hà Nội của tôi cũng có quảng trường. Ngoài quảng trường Ba Đình tôn nghiêm, thì mãi về sau, tôi mới biết, ngay trước Nhà hát Lớn là quảng trường Cách mạng tháng Tám, và chỗ đài phun nước hồ Gươm là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Quảng trường thuộc về lịch sử, là nơi điểm nút giao thông, quảng trường chẳng có quan hệ gì với tôi về mặt xúc cảm.
Hoặc giả, bởi tôi hiếm khi tham gia vào những hoạt động của giới trẻ ngày nay, khi những khu vực công cộng rộng lớn trở thành nơi vui chơi hẹn hò, nên không cảm nhận được đời sống quảng trường ở nơi chính mình đã sinh ra. Thế đấy, bước chân ra đi mới nhìn hẳn hoi được thiếu sót của chính mình. Hẳn các bạn nước ngoài cũng sẽ háo hức trước đời sống phố cổ, chợ đêm như cách tôi đang háo hức.
Thế nhưng, tội lỗi hãy để đấy và đợi về nhà sẽ sửa sai, đây là quảng trường của một đời sống lịch sử xã hội khác.
Đó là ngày tôi quyết định lang thang, tự đi lạc quanh khu vực trung tâm, để tận hưởng sự thú vị của những bất ngờ. Ra khỏi khách sạn, mỉm cười với vài anh chàng da đen rải bạt bán đủ loại túi, mũ, kính nhái các thương hiệu lớn, tôi hăm hở chuẩn bị được đi lạc, dù hôm đó nhiệt độ ở đây lên đến 38 độ. Cuộc sống ở đâu cũng phân tầng, và ai bảo châu Âu không có đồ nhái.
Ở Madrid, ngay khu Puerta de Sol này, các anh chàng da đen bày bán công khai, trả giá như khu chợ giời và vội vàng thu dọn chạy cảnh sát hệt như ở nhà mình. Khi đang mải mê ngắm nhìn đủ các khung cửa của đủ loại hàng quán, tiệm bánh ngọt bày tám chín tầng toàn bánh là bánh, tiệm bán tem với giá 3,5 Euro cho 100 con tem, tiệm bán súng và vũ khí bày công khai làm 2 bạn nhỏ mắt tròn mắt dẹt, thì đột ngột… Plazar Mayor hiện ra, già nua âm u ở cuối một cú rẽ trái đột ngột.
Ô… đây cũng là quảng trường! Tôi thốt lên. Ai mà nghĩ được, rẽ vào con phố nhỏ lại xuất hiện một quảng trường cơ chứ. Quảng trường rất cổ, khá nhỏ và nhuốm màu u ám. Được vài bước chân, tôi níu chặt 2 tay. Tôi sợ. Khắp quảng trường toàn các ma-nơ-canh không đầu trong trang phục váy diềm nhiều tầng và bộ quần áo đấu sĩ bò tót quen thuộc. Nhưng chúng không có đầu!
Cách chỗ tôi đứng 2 bước chân là 1 con dê. Chính xác hơn là 1 nghệ sĩ đường phố hóa thân vào con dê. Con dê có đôi mắt vô hồn, toàn thân là dây kim tuyến đủ màu, cổ đeo chuông và khi nó giả bộ đang ăn, cái chuông kêu liên hồi tạo nên âm thanh vô cùng ma quái. Tôi không ưa con dê. Tôi chỉ tò mò về cảm giác kỳ quặc của quảng trường già cỗi này đem lại. Không gian mỗi nơi chốn đều có thứ không khí riêng. Càng lâu đời, thứ không khí ấy càng riêng biệt. Và không có cách nào khác để lý giải ngoài việc tìm hiểu.
2. Tôi chọn một nhà hàng ngay trong Plazar Mayor để tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ cổ quái trước mắt, dù biết, nhà hàng ở khu vực này thế nào cũng là “bẫy” du lịch. Nhưng mọi chuyện sẽ ổn, chỉ cần hỏi kỹ về giá cả. Bàn bên cạnh là một gia đình du lịch, hỗn độn với sự nghịch ngợm của cậu con trai 4 tuổi, vẻ mệt mỏi của bà vợ, và sự lơ đễnh của ông chồng. Tôi gọi cho mình một cốc Cappuccino. Người phục vụ râu quai nón sum suê nhăn nhó vì nắng, nhíu mày trước câu hỏi của tôi về con dê ở góc quảng trường, lúc này đã lột bỏ cái đầu, lộ nguyên hình là một người phụ nữ đứng tuổi.
- Ồ, người phục vụ nhún vai nói, tôi không nghĩ nó có gì đáng sợ. Bạn có thể gặp con dê này ở nhiều điểm du lịch khác trong thành phố này.
- Nó có ý nghĩa biểu tượng gì không? Tôi tranh thủ hỏi, thực lòng tôi sẽ không mở nổi mồm ra hỏi chuyện người lạ, nhưng tranh thủ học hỏi là một điều hay.
- Không, nó chẳng biểu tượng gì cho thành phố này cả. Hoặc có thể có tôi cũng chẳng biết.
Anh ta lại nhún vai, râu quai nón nhăn tít lại, rồi nhanh chóng quay đi. Không rõ bởi nắng, hay công việc nhàm chán, hay phần nước chúng tôi gọi quá rẻ tiền mà anh ta không mấy mặn mà, khác hẳn những cư dân Madrid thân thiện tươi vui khác. Tôi quay mặt về hướng tòa nhà trông có vẻ cổ nhất, được bao phủ bởi những bức tranh tường tuyệt đẹp, toàn là chân dung khỏa thân, chen giữa khoảng tường trống giữa các ban công bé xíu.
Tôi đếm được tổng cộng 237 cái ban công quay mặt vào quảng trường từ các tòa nhà nối liền nhau tạo thành một hình chữ nhật màu đỏ khép kín. Mấy cái ban công ở đây cũng không có cái không khí tán tỉnh hay buôn chuyện như ở Puerta de Sol. Tôi thì nghĩ rằng, việc có hàng trăm đôi mắt nhìn chòng chọc vào nhất cử nhất động thì chẳng thể dễ chịu được (ý là những đôi mắt trên những bức tranh tường). Thật kỳ dị!
Tôi uống hết cốc Cappuccino của mình khi nắng bắt đầu dội thẳng xuống từ đỉnh đầu, mấy cái máy phun sương gồng mình hoạt động hết cỡ làm cả quảng trường như một cái chảo lửa đỏ rực mờ mịt khói. Người phục vụ có vẻ tươi tỉnh hơn khi tôi gọi thêm một chai nước suối. Thực tình thì thái độ của người khác qua cảm nhận cá nhân đôi khi không chính xác cho lắm. Tôi thấy có lỗi vì vội vàng nghĩ xấu cho anh béo râu quai nón này. Anh tận tình mở nắp chai, rót nước vào cốc đá và nháy mắt đầy tinh nghịch.
- Quảng trường này bản thân nó đáng sợ hơn nhiều, anh ta bắt đầu.
- Vì sao?
- Chỗ này người ta từng tổ chức đấu bò. Bạn biết đấu bò là gì không? Những con bò bị đâm cho tới chết ở ngay chỗ này này - anh ta chỉ ra chính giữa quảng trường - máu đã từng nhuộm đỏ mặt đất ở đây.
- Đấu bò ở quảng trường á? Tôi thốt lên.
- Cho tới tận thế kỷ 19.
Anh ta lại nháy mắt và hình như quên mất việc nhún vai. Tôi hình dung đến cảnh anh ta đã tua đi tua lại câu chuyện này hàng nghìn lần và tận hưởng sự ngạc nhiên của du khách.
3. Nhưng người phục vụ ở quán cà phê đã không kể hết, hoặc chỉ kể phần thú vị và ít kinh dị hơn của câu chuyện. Plaza Mayor đã từng là một cái chợ lớn, trước khi được xây dựng thành quảng trường vào năm 1619, dưới thời vua Filipe III, nó từng bị hỏa hoạn thiêu rụi đến 3 lần trong lịch sử. Ngoài là nơi để tổ chức các sự kiện hoàng gia, đám cưới hay lễ đăng quang, Plaza Mayor còn được sử dụng để hành quyết công khai. Tùy vào tội lỗi của kẻ tử tù mà người ta sẽ treo cổ, thiêu sống, và đủ kiểu hành hình tàn bạo khác mà chỉ cần đọc một lần sẽ ám ảnh chẳng thể nào quên. Và lấp kín 237 cái ban công kia sẽ là những kẻ tò mò, sợ hãi, hả hê. Cái quảng trường tôi cho là bé tý ấy có thể chứa tới 50.000 người. Đó là lịch sử.
Nơi tôi đã uống cà phê là nơi máu những chú bò tót và những kẻ tử tù đã lênh láng, là nơi thiên hạ đã từng thót tim trước những giờ khắc sinh tử trong cuộc đấu bò, là nơi người ta ca tụng tình yêu hay hy vọng vào một triều đại mới. Đó là lý do tại sao tôi kết luận, quảng trường siêu già ấy, dù cũng có một lão già ngồi trên lưng chú ngựa hiếu chiến như Puerta de Sol nhưng lại mang một không khí hoàn toàn ma quái. Đó cũng là bài học lịch sử sống động đầu tiên của tôi trong chuyến đi kỳ lạ đến Tây Ban Nha này.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/plaza-mayor-quang-truong-dam-mau/827046.antd