Pleiku tiết kiệm hơn 6,6 tỷ đồng sau sáp nhập
Chiều 24-9, đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục chương trình làm việc về nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tại TP. Pleiku.
Thực hiện Nghị quyết số 859/NQ-UBTVQH14 ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ dân phố theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh, TP. Pleiku đã triển khai quyết liệt việc sáp nhập các đơn vị hành chính chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Sau sáp nhập, bộ máy hành chính ở 22 xã, phường và 175 thôn, làng, tổ dân phố đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Theo đó, TP. Pleiku đã tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được 26 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; tiết kiệm kinh phí trên 1,8 tỷ đồng và 654 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố; tiết kiệm hơn 4,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TP. Pleiku cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ đầy đủ cho 9 cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư ở cấp xã và 254 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố đúng quy định, đúng đối tượng với tổng kinh phí trên 883 triệu đồng.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Đinh Ly An-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát-đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện sắp xếp, sáp nhập và nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của người dân. Đồng thời, đề nghị TP. Pleiku cần có phương án quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cho phù hợp, tránh lãng phí, hư hỏng; tạo điều kiện, hỗ trợ cho mọi người dân trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ, thực hiện thủ tục hành chính khi có nhu cầu. Mặt khác, TP. Pleiku cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng các kiến nghị, đề xuất liên quan, đoàn giám sát sẽ tổng hợp và trình lên kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.