PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 9/2024 giảm điểm nhẹ

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 9/2024 cho thấy sức khỏe khỏe ngành sản xuất ASEAN chỉ cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa tại các nhà máy đã giảm lần đầu tiên trong 3 năm và số lượng đơn hàng mới tăng chậm lại.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN tháng 9/2024 đã giảm về 50,5 điểm trong tháng 9, so với mức 51,1 điểm của tháng 8. Mặc dù vẫn duy trì ở mức trên ngưỡng 50 điểm ở tháng thứ chín liên tiếp, nhưng kết quả chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất ASEAN chỉ cải thiện nhẹ và đây là mức cải thiện yếu nhất kể từ tháng 2.

PMI ngành sản xuất ASEAN qua các năm.

PMI ngành sản xuất ASEAN qua các năm.

Tình trạng này chủ yếu là do xu hướng nhu cầu khách hàng giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại và mức tăng kỳ này là yếu nhất trong bảy tháng qua. Đà tăng đã bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của hoạt động thương mại mà hoạt động này đã suy giảm kể từ tháng 6/2022. Hơn nữa, mức giảm của doanh thu xuất khẩu trong kỳ này là mạnh và đáng kể nhất trong hơn 3 năm.

Xu hướng nhu cầu yếu đã khiến sản lượng giảm trở lại. Các nhà sản xuất hàng hóa ASEAN đã chứng kiến sự suy giảm lần đầu trong ba năm. Tuy nhiên, tốc độ giảm tổng thể chỉ là nhỏ.

Mặc dù các nhà sản xuất tiếp tục tăng hoạt động mua hàng, thì tốc độ tăng cũng chậm lại so với tháng 8 và mức tăng chỉ là nhẹ. Điểm tích cực hơn là số lượng nhân công đã được ghi nhận tăng trở lại trong tháng 9. Sự cải thiện doanh số bán hàng trong nhiều tháng đã giúp việc làm tăng nhẹ. Đây cũng là một trong hai mức tăng mạnh nhất (cùng với mức tăng của tháng 2) trong hai năm.

Tốc độ tăng giá đầu vào trong tháng 9 đã chậm lại so với tháng 8 khi gánh nặng chi phí tăng với tốc độ yếu nhất trong 13 tháng. Tốc độ tăng giá đầu ra cũng chậm lại và về tổng thể chỉ là nhỏ.

Cuối cùng, niềm tin về triển vọng sản lượng đã tăng khi mức độ lạc quan đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Các nhà sản xuất ASEAN hy vọng rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian 12 tháng tới.

VIỆT NAM

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 điểm trong tháng 8 xuống 47,3 điểm trong tháng 9 do ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi.

Báo cáo cho biết, cơn bão Yagi đã có ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa tạm thời các hoạt động kinh doanh và gây ra sự chậm trễ ở các dây truyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Từ đó, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm.

Bình luận về ngành sản xuất của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Cơn bão đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng tình hình nhu cầu sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng và Việt Nam có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành sản xuất khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu.

SINGAPORE

Chỉ số PMI ngành sản xuất Singapore đạt 56,6 vào tháng 9, giảm so với mức 57,6 vào tháng 8. Điều này cho thấy điều kiện kinh doanh trong khu vực tư nhân Singapore tiếp tục cải thiện trong tháng thứ mười chín liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng.

Ông Jingyi Pan, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, bình luận: “Tốc độ tăng trưởng hoạt động và kinh doanh mới đã chậm lại theo hướng bền vững hơn vào tháng 9, nhưng vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử. Điều này hỗ trợ việc tuyển dụng và mua hàng nhiều hơn trong, trong khi hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục mở rộng trong những tháng tới”.

PHILIPPINES

Sức khỏe ngành sản xuất Philippines đã ghi nhận sự cải thiện vững chắc trong tháng 9 với chỉ số PMI đạt 53,7 điểm, tăng từ mức 51,2 điểm trong tháng 8. Đây là mức cao nhất kể từ giữa năm 2022.

Bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét: “Ngành sản xuất của Philippines đã có sự cải thiện đáng kể vào cuối quý 3/2024. Nhìn chung, các đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều, mặc dù nhu cầu đối với hàng hóa Philippines giảm đáng kể trên thị trường quốc tế. Do đó, các nhà sản xuất đã thúc đẩy sản xuất với tốc độ mạnh”.

THÁI LAN

Chỉ số PMI ngành sản xuất Thái Lan đã giảm từ mức 52,0 điểm trong tháng 8 xuống 50,4 trong tháng 9. Kết quả này báo hiệu tăng trưởng yếu hơn, nhưng vẫn ở trên mức xu hướng dài hạn là 50,0.

Ông Trevor Balchin, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Điều kiện kinh doanh sản xuất tại Thái Lan tiếp tục cải thiện vào cuối quý 3/2024. Đơn đặt hàng và sản lượng mới tiếp tục tăng, mặc dù chậm hơn so với tháng 8, trong khi tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn gần với mức cao kỷ lục của kỳ khảo sát tháng 6. Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất hàng hóa nước này đã có quý tốt nhất kể từ quý 2/2023”.

PMI ngành sản xuất của 7 nước ASEAN qua các năm.

PMI ngành sản xuất của 7 nước ASEAN qua các năm.

MALAYSIA

Chỉ số PMI ngành sản xuất Malaysia tháng 9 đã đạt 49,5 điểm, giảm từ mức 49,7 điểm của tháng 8, báo hiệu sự suy yếu bền vững mặc dù không đáng kể trong sức khỏe ngành sản xuất.

Ông Usamah Bhatti, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Dữ liệu PMI mới nhất cho thấy điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Malaysia đã chậm lại vào cuối quý 3/2024 khi mức sản xuất được thu hẹp nhanh hơn trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới trì trệ”. Tuy nhiên, ông cho rằng tâm lý của các nhà sản xuất vẫn tích cực và kỳ vọng sản lượng cao hơn trong năm tới.

INDONESIA

Chỉ số PMI ngành sản xuất Indonesia tiếp tục ở dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 49,2 điểm trong tháng 9, tăng từ mức tăng từ 48,9 vào tháng 8. Dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động xuất khẩu mới của nước này đã giảm ở mức lớn nhất kể từ tháng 11/2022 và trong tháng thứ bảy liên tiếp.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Paul Smith, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Hiệu suất kém ấn tượng của nền kinh tế sản xuất Indonesia có liên quan đến môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu nói chung ảm đạm trong tháng 9”. Tuy nhiên, ông cho rằng các công ty đã tăng số lượng việc làm và hướng đến thời kỳ hoạt động ổn định hơn và kinh tế tốt hơn trong năm tới.

MYANMAR

Chỉ số PMI ngành sản xuất Myanmar đạt 45,5 điểm trong tháng 9. Kết quả này đã cải thiện so với 43,4 điểm của tháng 8 – mức thấp nhất trong tám tháng qua, nhưng đây vẫn là dấu hiệu về sự suy giảm đáng kể hơn nữa về sức khỏe của lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Các công ty báo cáo những hạn chế về sản lượng do thiếu nguyên liệu thô và nhân viên, cũng như sự gián đoạn do lũ lụt, nhưng yếu tố chính là thiếu việc làm mới.

Bình luận về kết quả khảo sát mới nhất, ông Phil Smith, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Dữ liệu PMI tháng 9 cho thấy lĩnh vực sản xuất của Myanmar vẫn đang trong tình trạng suy thoái và ít có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng”.

Ông cho rằng điều đáng khích lệ nhất là tốc độ lạm phát chi phí chậm lại đáng kể xuống mức thấp nhất trong sáu tháng. Các công ty sẽ hy vọng rằng đây là khởi đầu của một xu hướng, với áp lực chi phí nhẹ nhàng hơn là chìa khóa để lĩnh vực này trở lại trạng thái ổn định hơn trong những tháng tới

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 9/2024, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Dữ liệu chỉ số PMI của ASEAN cho thấy tăng trưởng chậm lại trong tháng 9. Sản lượng đã giảm trở lại, trong khi hoạt động thương mại giảm mạnh đã tác động nặng nề lên tổng nhu cầu khiến tổng nhu cầu chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, số liệu việc làm đã tăng, và niềm tin kinh doanh đã cải thiện, cho thấy các công ty vẫn kỳ vọng sản lượng tăng trong thời gian 12 tháng tới".

Mặt khác, bà chỉ ra rằng, ở một khía cạnh tích cực, áp lực lạm phát tại ASEAN tiếp tục giảm trong tháng 9. Tình trạng giá cả hạ nhiệt có thể khiến các nền kinh tế khác trong ASEAN xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, tương tự như Philippines, đặc biệt là trong bối cảnh sản lượng tăng trưởng chậm lại.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pmi-nga-nh-sa-n-xuat-asean-thang-92024-gia-m-die-m-nhe-34142.html