POBI 2019: Hà Nội tăng 29,87 điểm, thuộc nhóm báo cáo ngân sách công dân tốt
Chỉ số trung bình Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2019 đạt 65,55/100 điểm, cao hơn năm 2018 là 51 điểm. Với kết quả này, VEPR nhận định, mức độ công khai ngân sách Nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018.
Sáng 8/7/2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức Hội thảo Công bố Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI) 2019.
Đây là khảo sát nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” do Oxfam Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam tài trợ.
Báo cáo cho biết, chỉ số trung bình POBI 2019 đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi, xếp hạng cao hơn trung bình xếp hạng năm 2018 là 51 điểm. Với kết quả này, VEPR nhận định, mức độ công khai ngân sách Nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018.
Trong đó, Nhóm A - công khai đầy đủ - nhóm những tỉnh có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm, có 24 tỉnh bao gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, An Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Lai Châu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái, Tây Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam.
Nhóm B - công khai tương đối, bao gồm 27 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 50 đến dưới 75 điểm. Nhóm này bao gồm: Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Long An, Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre, Cần Thơ, Đắk Nông, Phú Thọ, Hải Phòng, Gia Lai, Tiền Giang, TPHCM, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cà Mau, và Hưng Yên.
Nhóm C - công khai chưa đầy đủ, bao gồm 9 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 25 đến dưới 50 điểm. Nhóm này bao gồm: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Kiên Giang.
Nhóm cuối cùng là nhóm D - ít công khai, có 3 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 0 đến dưới 25 điểm, bao gồm: Hòa Bình (1,69 điểm), Đồng Tháp (7,9 điểm), và Lạng Sơn (21,61 điểm).
Như vậy, năm 2019, có 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này trong năm 2018 chỉ là 31 tỉnh. “Điều này cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai minh bạch ngân sách của các địa phương”, đại diện VEPR nhấn mạnh.
Riêng Hà Nội, năm 2019, chỉ số POBI đạt 79,59 điểm, tăng 29,87 điểm so với mức 49,72 điểm của năm 2018. TP.Hồ Chí Minh đạt 66,3 điểm.
Với mức 79,59 điểm, Hà Nội đứng thứ 3 ở vùng Đồng bằng Sông Hồng. Đứng đầu là Hải Dương với 88,14 điểm, tiếp đến là Quảng Ninh (81,71 điểm), Nam Định thấp nhất (42,63 điểm).
Cũng theo kết quả POBI 2019, mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh/ thành phố tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Số tỉnh công khai tài liệu này trong POBI 2019 là 54 tỉnh, so với 47 tỉnh trong POBI 2018.
Ngoài ra, tính kịp thời và tính đầy đủ của tài liệu này được cải thiện nhiều so với năm 2018. Số tỉnh công bố đúng hạn tăng từ 29 tỉnh (46%) lên 36 tỉnh (57,14%).
Đáng chú ý, báo cáo ngân sách công dân là tài liệu mặc dù không bắt buộc công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, nhưng cần phải công khai theo thông lệ tốt của quốc tế. Số lượng các tỉnh công bố báo cáo ngân sách công dân tăng từ 1 tỉnh trong kỳ khảo sát 2018 lên 14 tỉnh trong POBI 2019.
Các tỉnh có công bố báo cáo ngân sách công dân trong khảo sát POBI 2019 là: Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Tây Ninh, Quảng Trị, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Kết quả này cho thấy, các tỉnh đã có nỗ lực công khai ngân sách theo như đúng quy định của Việt Nam mà có thể công khai theo như thông lệ tốt của quốc tế”, VEPR cho hay.
Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp có xếp hạng công khai ngân sách tỉnh. POBI 2019 bao gồm hai trụ cột về quá trình công khai minh bạch và sự tham gia về ngân sách gồm: trụ cột về minh bạch công khai ngân sách; trụ cột về sự tham gia.
Điểm xếp hạng minh bạch ngân sách được đánh giá với 75 câu hỏi dành cho trụ cột minh bạch với 10 loại tài liệu, trong đó có 7 tài liệu được quy định trong bắt buộc phải công khai theo Luật ngân sách Nhà nước 2015.
Khảo sát cũng đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện của các tài liệu về ngân sách địa phương. Đồng thời, khảo sát POBI 2019 lần đầu tiên chấm điểm về độ tin cậy của lập dự toán ngân sách khi so sánh với báo cáo quyết toán tương ứng.