Podcast: 5 tựa phim anime bị lợi dụng để đánh cắp mật khẩu
Những tựa phim anime đình đám, các tập đặc biệt đến quyền truy cập VIP miễn phí, tội phạm mạng đang tận dụng mọi chiêu trò để đánh lừa người dùng trẻ, đặc biệt là Gen Z.
Podcast
Podcast: 5 tựa phim anime bị lợi dụng để đánh cắp mật khẩu. Video: TIỂU MINH
Theo báo cáo mới công bố của Kaspersky, chỉ trong vòng một năm (từ quý II năm 2024 đến quý I năm 2025), đã có hơn 250.000 lượt tấn công mạng được phát hiện khi tin tặc ngụy trang mã độc trong các tệp liên quan đến anime và các nền tảng streaming phổ biến.
Với thói quen "cày phim" xuyên đêm, gắn bó cảm xúc với nhân vật và cộng đồng người hâm mộ, anime và các nội dung giải trí trực tuyến không chỉ là thú vui mà còn là một phần bản sắc của Gen Z.
Theo Kaspersky, chỉ riêng 5 tựa anime đình đám gồm Naruto, One Piece, Demon Slayer, Attack on Titan và Jujutsu Kaisen, đã ghi nhận tổng cộng 251.931 lượt tấn công mạng thông qua các tệp giả mạo.
Trong đó, Naruto dẫn đầu với hơn 114.000 lượt, dù đã phát sóng từ hơn hai thập kỷ trước. Demon Slayer và Attack on Titan lần lượt đứng thứ hai và ba, nhờ sức hút mạnh mẽ từ cộng đồng mạng và lượng người hâm mộ đông đảo toàn cầu.

Nhiều tựa phim anime và các tác phẩm điện ảnh bị lợi dụng để phát tán phần mềm độc hại. Ảnh: Kaspersky
Không dừng lại ở anime, tội phạm mạng cũng tấn công vào các tác phẩm điện ảnh và series gắn liền với Gen Z như Shrek, Stranger Things, Twilight, Inside Out 2 và Deadpool & Wolverine.
Tổng cộng có hơn 43.000 lượt tấn công liên quan, trong đó riêng Shrek chiếm tới 36.000 lượt. Đặc biệt, tháng 3-2025 ghi nhận mức tăng gấp đôi so với trung bình năm 2024, cho thấy tội phạm mạng luôn nắm bắt nhanh các làn sóng quan tâm mới từ cộng đồng.
Các nền tảng phát trực tuyến, nơi Gen Z tiếp cận nội dung giải trí hàng ngày cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Netflix, Amazon Prime Video, Disney+, Apple TV Plus và HBO Max đều bị lợi dụng làm mồi nhử.
Riêng Netflix, với lượng người dùng toàn cầu và mô hình đăng ký định kỳ quen thuộc, đã ghi nhận hơn 85.000 lượt tấn công, cùng hơn 2,8 triệu trang web giả mạo giao diện. Tin tặc thường tạo trang đăng nhập giả, gửi email dùng thử miễn phí hoặc yêu cầu khôi phục mật khẩu để đánh cắp thông tin cá nhân.
Đáng lo ngại hơn, các mối đe dọa này ngày càng tinh vi, bám sát hành vi và thói quen trực tuyến của Gen Z, thế hệ lớn lên cùng với nền tảng kỹ thuật số.
Trước tình hình đó, Kaspersky đã phát triển trò chơi tương tác “Case 404” như một công cụ giáo dục sáng tạo. Người chơi sẽ vào vai thám tử an ninh mạng, tham gia điều tra và giải mã các vụ lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức thực tế, trò chơi còn giúp nâng cao tư duy phản biện và kỹ năng ứng phó với các rủi ro mạng.
Ông Vasily Kolesnikov, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky, nhận định: “Các chiêu trò tấn công mạng không ngừng thay đổi theo xu hướng văn hóa và giải trí. Khi Gen Z đắm chìm trong những nội dung yêu thích, từ anime đến bom tấn điện ảnh, tội phạm mạng cũng âm thầm tìm cách khai thác chính niềm đam mê ấy.”
Để bảo vệ bản thân, Kaspersky khuyến nghị người dùng Gen Z:
- Trải nghiệm “Case 404” để nâng cao nhận thức an ninh mạng.
- Chỉ sử dụng ứng dụng và nội dung từ nguồn chính thức.
- Cẩn trọng với các tệp tải xuống có đuôi .exe hoặc .msi.
- Xác minh tính xác thực của trang web trước khi nhập thông tin cá nhân.
- Sử dụng phần mềm bảo mật như Kaspersky Premium và VPN để tăng cường an toàn khi truy cập mạng.
Nhìn chung, Gen Z cần tỉnh táo và trang bị đầy đủ kỹ năng để không biến mình thành nạn nhân trong chính không gian yêu thích của mình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/podcast-5-tua-phim-anime-bi-loi-dung-de-danh-cap-mat-khau-post852126.html