Politico: Mỹ sắp cạn tiền viện trợ cho Ukraine, nguồn cung vũ khí có thể đứt gãy
Washington chỉ còn 6 tỷ USD để cung cấp những thiết bị cần thiết cho Kiev, song được cho là đang xem xét gói viện trợ mới.
Ngày 15/5, tờ Politico trích một số nguồn tin thân cận đưa tin viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể cạn kiệt hoàn toàn vào giữa mùa hè này. Bởi lẽ, Washington đã chi gần hết gói viện trợ 48 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12/2022.
Theo nguồn tin này, Mỹ chỉ còn khoảng 6 tỷ USD để mua vũ khí và vật tư cho Kiev. Điều đó đồng nghĩa với việc dòng viện trợ của Mỹ cho các lực lượng của Ukraine có thể sớm bị dừng lại.
Các thành viên Quốc hội Mỹ đã cảnh báo rằng Nhà Trắng có thể bị đứt gãy nguồn cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là khi Kiev lên kế hoạch phản công chống lại Nga.
Thượng nghị sĩ Susan Collins nói với các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc vào tuần trước: “Điều quan trọng là chính quyền phải cung cấp cho Ukraine những gì họ cần kịp thời để bảo vệ và lấy lại lãnh thổ có chủ quyền”.
Politico báo cáo rằng theo một quan chức chính quyền cấp cao, Nhà Trắng đang thảo luận về một gói viện trợ hoàn toàn mới được thiết kế để duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine. Nhân vật trên không rõ nhu cầu của Kiev sẽ là gì trong hoặc sau cuộc phản công sắp tới. Quan chức này cho biết thêm rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden hoàn toàn cam kết hỗ trợ chính phủ Kiev trong một thời gian dài.
Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ mới nhất cho Kiev vào tuần trước, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự để sản xuất pháo và đạn phòng không. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết những loại vũ khí này nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách nhất của Ukraine, đồng thời lấp lỗ hổng về những tiềm lực quan trọng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về gói viện trợ mới cho Ukraine được dự báo sẽ gây ra cuộc tranh luận gay gắt tại đồi Capitol trong những tháng tới, cũng như vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa - những người đã kêu gọi cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho Ukraine, viện dẫn các vấn đề trong nước.
Chính quyền của ông Biden đang vướng vào vào một cuộc tranh cãi với Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số về việc nâng trần nợ công của Mỹ. Washington hiện gánh khoản nợ công ước tính lên đến trên 31 nghìn tỷ USD và có nguy cơ vỡ nợ.
Trong khi đó, Moskva đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine. Theo ước tính của Nga, phương Tây đã cung cấp vũ khí, đạn dược và vật tư trị giá khoảng 100 tỷ USD cho quân đội Ukraine tính đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh tiếp tục khẳng định rằng họ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do bảo vệ người dân Donbass, cũng như do Kiev không tuân thủ Hiệp định hòa bình Minsk 2014 – 2015. Ông Putin cho biết Nga đang tìm cách “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev đã bị đình trệ kể từ lần cuối cùng được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 năm ngoái. Cho đến nay, hai bên vẫn bất đồng về các điều khoản đi tới thỏa thuận hòa bình. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moskva đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch tại Ukraine.