Premier League đang tận hưởng nhiều bàn thắng muộn hơn
Tottenham lại vừa ghi được bàn thắng ở phút cuối để gỡ hòa trước Man City. Đó không phải là bàn thắng trong phút bù giờ nhưng không thể nói việc kéo dài thời gian đấu bù đã không tác động đến quyết tâm chơi bóng ở các phút cuối. Hương vị đầu tiên của lượng lớn thời gian được thêm vào là ở World Cup 2022, và nó càng 'nồng nàn' thêm khi áp dụng cho các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Ở Qatar, thời gian bù giờ trung bình là 10:11 (10 phút 11 giây), so với 6:30 ở Nga năm 2018. Mức tăng 56,67% đó một phần là do số cầu thủ được thay mỗi trận nhiều hơn (Từ 6 lên 10 người). Thời gian bóng “sống” năm 2018 là 55:41, trong khi ở Qatar, tỷ lệ này tăng lên 59:47. FIFA đã đạt được mục tiêu là đưa bóng vào sân trong gần một giờ.
Khi đưa cách tính giờ này vào các giải châu Âu, ban đầu cũng có nhiều phàn nàn khi mà lịch thi đấu quá dày, thêm thời gian đá bóng tức là mệt thêm. Thời gian bù giờ đã tăng lên một cách dễ hiểu ở tất cả các giải đấu, trong đó La Liga chứng kiến mức tăng lớn nhất: Từ 7:15 trong ba mùa giải trước lên đến 11:25 với luật thi đấu mới. Premier League tắng 4:05 còn thấp nhất là Serie A chỉ thêm được 2:35.
Nếu xem mục đích của việc bù giờ là để tăng thời gian bóng lăn trên sân, thì chính các bàn thắng muộn là kết quả phản ảnh rõ ràng nhất.
Theo thống kê sau 12 vòng đấu đầu tiên, trước đợt trận quốc tế cuối cùng trong năm 2023, thì có đến 38 bàn diễn ra ở các phút bù giờ, tức tăng đến 114% so với cùng kỳ. Trên thực tế, 10,3% tổng số bàn thắng ghi được ở Premier League đến sau phút 90, xếp sau là LaLiga (8,45%) và Serie A (8,2%).
Mười sáu bàn thắng trong số đó có ý nghĩa thay đổi kết quả trận đấu. Ví dụ như Wolves ghi 2 bàn sau phút 90 để đánh bại Tottenham, trong khi Chelsea được hưởng quả phạt đền để cầm hòa 4-4 trên sân nhà trước Man City. LaLiga có ít bàn thắng hơn một chút, nhưng tỷ lệ tác động lại cao hơn khi 65% bàn thắng muộn thay đổi kết quả. Ngược lại với Bundesliga, số bàn thắng muộn giảm dù thời gian đã tăng lên. Serie A cũng đang sa sút so với mức trung bình gần đây nhưng giải đấu vẫn có tỷ lệ cao.
Có một vài cách lý giải cho sự bùng nổ bàn thắng muộn ở Premier League. Đầu tiên là việc thay người tăng từ 3 lên 5 mang lại lợi thế cho các đội bóng lớn có đội hình dày hơn. Xét cho cùng, nếu bạn có thể đưa một cầu thủ trị giá 100 triệu bảng vào sân từ băng ghế dự bị trong lần thay đổi thứ tư hoặc thứ năm, thì mức độ tác động sẽ cao hơn việc dùng một cầu thủ trẻ chưa được thử thách.
Trong số 38 bàn thắng trong thời gian bù giờ, 18 bàn (chiếm 47,36%) được ghi bởi các đội trong nhóm Big 6. Trong số 16 bàn làm thay đổi kết quả, thì 10 trận (62,5%) cũng thuộc về nhóm này, bao gồm 3 bàn diễn ra giữa các đội mạnh với nhau. Hãy so sánh, trong 3 mùa giải gần nhất, Big 6 ghi trung bình 10,33 bàn thắng ở thời gian bù giờ làm thay đổi kết quả. Con số đó gần như đã bị vượt qua tại mùa này dù chỉ mới tính trên 12 vòng mà thôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc tăng thời gian bù giờ đã mang lại nguồn điểm dồi dào cho các CLB lớn và có thể sẽ tác động đến chiến thuật, cách tổ chức trận đấu của HLV. Trên thực tế, cho đến khi Wolves ghi được hai bàn ở phút bù giờ trước Tottenham, không có đội Big 6 nào đánh mất điểm trong thời gian bù giờ trước một CLB nằm ngoài nhóm.
Trong khi đó, ở Serie A, chỉ có 1 bàn thắng làm thay đổi kết quả được ghi bởi 4 CLB lớn nhất. Ở La Liga, nơi có 20 bàn thắng muộn làm thay đổi kết quả, chỉ có 3 bàn được ghi Big 3 (Atletico Madrid, Barcelona và Real Madrid). Cả Bayern Munich hay Borussia Dortmund đều không cần bàn thắng muộn để giành điểm, Paris Saint-Germain cũng vậy.
Những trận đấu dài nhất Premier League
Fulham (3-1) Sheffield United -- 113:54
Aston Villa (3-1) Crystal Palace -- 112:02
Tottenham (1-4) Chelsea -- 111:15