PSG, chúa tể của các kỳ chuyển nhượng

Không bàn đến mức độ hợp lý, chỉ nói đến khả năng tiêu tiền thì với thương vụ Lionel Messi, PSG tiếp tục chứng minh họ là 'chúa tể các kỳ chuyển nhượng'. Sự mắn tay của PSG đến kể từ khi giới chủ Qatar tiếp quản đội bóng này.

Những quả bom tấn liên tục được Quỹ đầu tư Qatar (QSI) kích hoạt kể từ khi sở hữu PSG vào năm 2011. Trước Messi 10 năm, Javier Pastore là thương vụ đình đám đầu tiên. Pastore lúc đó là ngôi sao đang lên của Palermo chứ không vật vờ như bây giờ. Mức giá 42 triệu euro lập tức biến tiền vệ người Argentina trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Ligue 1 (tính đến thời điểm đó).

Cũng trong Hè 2011, PSG mua Kevin Gameiro từ Lorient với giá 11 triệu euro, Blaise Matuidi từ Saint-Etienne, Jeremy Menez từ Roma và Mohamed Sissoko từ Juventus với giá cùng 8 triệu euro. Những thương vụ này kết hợp với các hợp đồng “lẻ tẻ” như Salvatore Sirigu (Palermo, 4 triệu), Diego Lugano (Fenerbahce, 3 triệu), cùng bộ đôi Thiago Motta và Maxwell trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm đó - đẩy số tiền PSG chi cho chuyển nhượng cả mùa 2011/12 lên đến 92,7 triệu euro.

Các mùa chuyển nhượng Hè sau diễn ra với kịch bản tương tự. Chiến lược mua ngôi sao không được đặt tên “Dải ngân hà” như Real Madrid, nhưng mang hơi hướng này. Năm 2012, Ezequiel Lavezzi đến từ Napoli với giá 30 triệu euro, tiếp đó là bộ đôi Thiago Silva với giá 42 triệu và Zlatan Ibrahimovic giá 21 triệu.

Năm 2013, Lucas Moura gia nhập PSG với phí chuyển nhượng 40 triệu euro, cùng Edinson Cavani giá 64 triệu từ Napoli. Năm 2014, David Luiz được mua từ Chelsea với giá 49,5 triệu. Một năm sau, Angel Di Maria cập bến từ Man United với giá 63 triệu, và 1 năm sau đó là Julian Draxler từ Schalke với phí chuyển nhượng 36 triệu euro.

Wijnaldum và Messi là 2 thương vụ gây tiếng vang của PSG

Wijnaldum và Messi là 2 thương vụ gây tiếng vang của PSG

Nhưng thế vẫn chưa là gì so với năm 2017, cái năm mà PSG thật sự làm rúng động châu Âu với việc chiêu mộ Neymar từ Barcelona, một vụ chuyển nhượng ngông nghênh đến độ chi 222 triệu euro để kích hoạt điều khoản phá vỡ hợp đồng. Thương vụ làm tổn thương Barcelona ghê gớm, một nỗi nhục cho đội bóng xứ Catalunya, nhưng lại là một cách chứng minh bản thân tuyệt vời của đại diện nước Pháp.

Ngày cuối của mùa Hè năm đó, những người Arab còn mượn được Kylian Mbappe từ Monaco với thỏa thuận phí mua đứt 1 năm sau lên đến 145 triệu euro. Đến Hè năm nay, xét phí chuyển nhượng, Achraf Hakimi tới từ Inter với giá 68 triệu cũng là một thương vụ lớn.

Cộng cả những hợp đồng “bình thường” như Marquinhos giá 32 triệu, Lucas Digne giá 15 triệu, Marco Verratti giá 12 triệu euro... và đấy là chưa tính những ngôi sao như David Beckham, Lionel Messi, Sergio Ramos, Georginio Wijnaldum, Gianluigi Donnarumma... đến theo dạng tự do (phải rất giàu mới trả lương được cho những ngôi sao này) - thì tổng số tiền PSG chi cho chuyển nhượng trong 10 năm qua tạm tính là gần 1,4 tỷ euro, theo chuyên trang thống kê transfermarkt.

Đây là con số vào loại lớn nhất châu Âu, bất chấp Luật công bằng tài chính của UEFA bắt đầu được áp dụng từ mùa 2011/12, tức cùng mùa Hè mà người Qatar đổ bộ.

“Chỉ” đứng Top 6 về tiêu tiền

Chi gần 1,4 tỷ euro nhưng vì biết cách kết hợp các thương vụ miễn phí, nên trong 10 năm qua, PSG chỉ đứng thứ 6 về số tiền chuyển nhượng đã chi. Lần lượt 5 vị trí dẫn đầu thuộc về Man City (1,64 tỷ euro), Barcelona (1,47), Chelsea (1,47), Juve (1,44) và Man United (1,44). Nhưng về tính hiệu quả, có thể nói PSG còn nhỉnh hơn những Man United hay Barcelona.

Theo Gia Hưng/Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/the-thao/psg-chua-te-cua-cac-ky-chuyen-nhuong/20210812023929479