PTT Trần Lưu Quang: Phải có cách tiếp cận khác trong khoa học công nghệ
Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực, là giải pháp để phát triển đất nước. Do đó, phải có cách tiếp cận khác trong hoạt động KHCN. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành KHCN được Bộ KH&CN tổ chức sáng nay (28/12), tại Hà Nội.
Báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, năm 2023, hoạt động KHCN và ĐMST đã có những kết quả nổi bật. Đáng chú ý, trong năm qua, Bộ KH&CN đã tập trung công tác hoàn thiện môi trường thể chế về KHCN và ĐMST, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN.
Chỉ số ĐMST của Việt Nam trong năm 2023 đã tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, và là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.
Việt Nam cũng đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học đã nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận và ứng dụng vào sản xuất. Nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh đã vươn lên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới như Toán học, Vật lý, Hóa học, khoa học sự sống… Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KHCN vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.
GS.TS Lê Minh Thắng- Trường Hóa và khoa học sự sống, ĐH Bách Khoa Hà Nội nói: "Các cơ chế tài chính phải được tạo điều kiện thuận lợi để các nhà KH có thể dành nhiều thời gian hơn cho vấn đề nghiên cứu. Vấn đề tài chính phải được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quy định của pháp luật".
Theo Bộ KH&CN, hệ thống pháp luật về KHCN và ĐMST hiện chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu…; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN hiện còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán. Thị trường KHCN đã hình thành và phát triển nhưng còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn...
Nhấn mạnh- KHCN vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách về KHCN cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời, hỗ trợ được hoạt động KHCN một cách hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Hồng Thái, cho rằng: "Chúng ta biết là KH có những đặc thù của nó. Chúng ta đang vướng nhiều như cơ chế đặc thù về rủi ro trong nghiên cứu. Chúng ta chưa chấp nhận một thực tiễn là khi các nhà KH đặt những vấn đề lớn thì có thể phải chấp nhận câu chuyện là việc không thành công cũng là một đóng góp KH để chúng ta thấy rằng hướng này không đúng thì chọn hướng khác đúng hơn. Thì sắp tới ngành KH sẽ từng bước tháo gỡ và trong thời gian qua đã từng bước tháo gỡ. Chúng ta thời gian qua đã cơ cấu lại các quy định, quy chế, thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ KHCN, phương thức quản lý nhiệm vụ KHCN đã có sự thay đổi với sự tham gia của các bộ ngành địa phương".
Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao những kết quả mà ngành KHCN đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nhận thức của toàn xã hội về KHCN và ĐMST đã có sự thay đổi. Giờ đây, mọi mặt của đời sống đều có sự hiện diện của KHCN và ĐMST. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, thế giới đang phát triển rất nhanh, do đó, ngành KHCN có trách nhiệm để không làm giãn khoảng cách giữa KHCN trong nước và thế giới: "Nhu cầu của từng người dân như đã nói đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn có sự cập nhật, đổi mới để cuộc sống của mọi người mọi nhà tốt hơn. Mục tiêu của 2030-2045 đặt ra cho tất cả hệ thống chính trị rất cao cho nên KHCN là giải pháp để thực hiện được mục tiêu này với tinh thần mà mọi người hay nói là đi tắt đón đầu. Thường trong cái khó chúng ta muốn vượt qua thì phải có cách tiếp cận khác. Chúng ta cứ nghĩ như bình thường thì khó vượt qua được… trong khi KHCN là dễ có điều kiện để mọi người nghĩ khác và làm khác".
Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Khoa học và công nghệ phải tạo được hành lang pháp lý, và phải có những chính sách đặc thù để phát triển KHCN. Bộ KHCN cần có những đề xuất mạnh mẽ hơn về các vấn đề như cơ chế định giá, cơ chế tự chủ… Các cơ chế chính sách phải đảm bảo vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng thúc đẩy KHCN, hỗ trợ những người làm khoa học. Năm 2024, ngành khoa học phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kết nối các nhà khoa học trong nước và kết nối với thế giới. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tử tế, trân trọng, lắng nghe và tạo được cảm hứng cho các nhà khoa học, có như vậy ngành khoa học Việt Nam mới có được đội ngũ đồng sức, đồng lòng để vượt qua những khó khăn.