PTT Vũ Đức Đam: Sau 15 ngày, TP.HCM phải thiết lập được vùng an toàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý TP.HCM phải xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu ở mức cao nhất để sau 15 ngày thiết lập được các vùng an toàn với dịch bệnh.
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Quận 6, Quận 7, huyện Bình Chánh (TP.HCM) về công tác chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ngoài những vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quán triệt kỹ trong cuộc họp trực tuyến sáng 8/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý TP.HCM 4 điểm trong thời gian giãn cách. Thứ nhất, TP.HCM phải xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu ở mức cao nhất, mạnh nhất để sau 15 ngày thiết lập được những vùng an toàn dịch bệnh, vùng xanh vững chắc từ trên bình diện cả thành phố cho đến quận, huyện và tới tận xã, phường.
Muốn vậy, giống như trong một chiến dịch, TP.HCM phải có “kế hoạch tác chiến” chi tiết từng ngày, mục tiêu cần đạt được, những việc mà chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân phải làm; công khai kế hoạch này cho người dân, xã hội biết và thực hiện.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thật nghiêm. Thực tế cho thấy qua 1 tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số khu vực theo Chỉ thị 16, có lúc, có nơi chưa nghiêm. Tinh thần thực hiện nghiêm phải được quán triệt đến tất cả các đơn vị, sở, ngành, doanh nghiệp, cơ quan và từng người dân, kết hợp với vận động, giám sát. Các quy định phải chi tiết, khả thi.
Đơn cử trong việc triển khai tiêm vaccine, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, dù Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định, vẫn để tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cả thành phố không thể an toàn nếu chỉ một chỗ sơ suất.
Thực tiễn chống dịch vừa qua ở một số địa phương cho thấy dù khoanh rộng hay khoanh hẹp thì đều phải làm rất chặt, nếu “ngoài chặt, trong lỏng” thì sẽ không kiểm soát được tình hình.
Thứ ba, TP.HCM khẩn trương thực hiện các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch, nhưng “làm đến đâu phải chắc đến đấy”, xử lý dứt điểm nhằm thiết lập các vùng an toàn một cách vững chắc.
Thứ tư, các biện pháp phòng, chống dịch phải hiệu quả. Phó Thủ tướng nhấn mạnh,chúng ta chưa có kinh nghiệm điều hành chống dịch ở đô thị lớn, đông dân, có nhiều khu công nghiệp như TP.HCM với số ca nhiễm hàng ngày rất lớn. Vì vậy, các biện pháp chống dịch phải rất khoa học và thực tiễn.
Nếu các hướng dẫn phòng chống dịch đã có chưa phù hợp với thực tiễn thì TP.HCM cần phát huy sáng tạo bằng kinh nghiệm thực tế, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như cách ly F1 tại nhà, kết hợp các phương pháp xét nghiệm, tự lấy mẫu xét nghiệm... Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả.
Trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng TP.HCM cần điều chỉnh công tác truy vết, xét nghiệm phù hợp trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngoài mũi tập trung truy vết, xét nghiệm tại những ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao để khoanh vùng, dập dịch, TP.HCM cần triển khai mũi xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại những khu vực được coi là sạch, an toàn để thiết lập vững chắc vùng an toàn. Việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng không chỉ theo mức độ nguy cơ của các khu vực mà cần phân loại đến tận các nhóm hộ gia đình, thành viên gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau để quyết định sử dụng xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm PCR mẫu gộp bao nhiêu mẫu đơn…
Đặc biệt, thành phố cần sử dụng các công cụ công nghệ để nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của từng người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng, cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà; người dân không phải đến các cơ sở y tế, chờ đợi lâu, tập trung đông người.
Việc quản lý dữ liệu người được lấy mẫu (đặc biệt là tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi ở), trả kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus, thông báo kịp thời cho các địa phương. Điều này vừa phục vụ công tác truy vết, vừa giúp phân tích dịch tễ, chỉ điểm cho công tác truy vết, xét nghiệm tiếp theo ở nơi nào trước, nơi nào sau, dùng xét nghiệm nhanh, hay xét nghiệm PCR mẫu đơn, mẫu gộp. Không dàn hàng ngang, đồng loạt hay chạy theo số lượng mà lấy hiệu quả làm tiêu chí.
TP.HCM cũng phải hết sức chú ý thực hiện giải pháp, chính sách đồng bộ bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân cả vật chất lẫn tinh thần. Các khoản hỗ trợ phải đến được tận tay người dân, nhất là người người nghèo.