Pù Luông 'thiên đường giữa đại ngàn'
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng những điểm đến hấp dẫn như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa là địa chỉ được du khách lựa chọn cho chuyến đi của mình trong những ngày đầu xuân.
Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút được rất nhiều bạn trẻ.
Anh Vi Văn Dũng, người dân bản Leo, xã Thanh Lâm, huyện Bá Thước cho biết, huyện vốn nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái Pù Luông, Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Báng, bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm)… Đến với Pù Luông mỗi đoàn khách có một yêu cầu riêng như vượt rừng, leo núi. Có đoàn đi lên đỉnh Pù Luông, có đoàn thì đi rừng thấp, thăm thú bản làng.
Với yêu cầu nào của khách, người dân trong bản đều đáp ứng và dẫn đường. Trước khi có dịch, nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích chinh phục đỉnh Pù Luông. Với độ cao 1.700m du khách mất khoảng 6-8 tiếng trong điều kiện thời tiết tốt để có thể lên đến đỉnh.
Từ bản Leo vượt qua mấy quả đồi, núi, men theo đường mòn trên núi chúng tôi cũng đến được với bản Kho Mường. Một thung lũng tuyệt đẹp, bình yên. Cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trên đường đi, chúng tôi đều được bà con nhiệt tình mời nước và hoa quả vườn nhà.
Bản Kho Mường nằm trọn trong thung lũng, ở đó có những ruộng lúa, ngô xanh mướt mát, những ngôi nhà sàn thấp thoáng bên những thửa ruộng. Những mảng màu sắc của tự nhiên trùng điệp được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Người dân trong bản vẫn chủ yếu là làm nông, chăn nuôi và tự cung tự cấp.
Những năm gần đây, khi du lịch cộng đồng phát triển, du khách đến đây nhiều hơn thì đường sá cũng được cải thiện rất nhiều. Nhiều hộ trong thôn cũng bắt đầu bán hàng và tham gia làm du lịch, có thêm thu nhập.
Đến với Kho Mường, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Thái, hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua và thịt vịt luộc…
Du khách đến đây không thể bỏ qua hang Kho Mường. Trên đường đi, vào mùa lúa chín du khách có thể xuống gặt lúa cùng dân, cùng chụp ảnh, tạo dáng thỏa thích với các “đạo cụ” sẵn có của người dân.
Anh Vi Văn Dũng cho biết, hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối nhũ đá vôi được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước làm nên hang động này. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất với chiều dài khoảng 2,5 km về phía Bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao.
Dời thung lũng Kho Mường du khách tiếp tục hành trình đi tới Bản Đôn rồi quay về bản Leo. Bản Đôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống với 285 nhân khẩu (80 hộ). Khoảng 2 năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến với bản Đôn ngày một nhiều. Bản Đôn có không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ và nhiều món ăn đặc sản của người dân bản địa, như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, rau bí, ngọn su su… đặc biệt là sự chân thành, mến khách của đồng bào địa phương.
Với những người yêu thích trekking (đi bộ dài ngày) thì Pù Luông là điểm đến hấp dẫn với nhiều khám phá thú vị. Ở Pù Luông vừa có núi, có mây, có thác, có sông, du khách có nhiều lựa chọn cho hành trình của mình như leo núi, đi bộ thăm quan bản làng, cùng sống và hòa chung với nhịp sống của người dân nơi đây.
Mặc dù, chưa được đầu tư nhiều, nhưng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, người dân thân thiện và vẫn giữ được những nếp nhà sàn cổ cùng những giá trị văn hóa dân tộc, Pù Luông là điểm đến hấp dẫn du khách thời gian tới khi đến với xứ Thanh.
Mấy năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Pù Luông bắt đầu phát triển, nhiều homestay được xây dựng và đưa vào vận hành đã mang lại một diện mạo mới cho du lịch nơi đây. Dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lượng khách nhưng các homestay vẫn luôn sẵn sàng đón nhận khách trở lại nhất là vào dịp Tết Nguyên đán này.
Bà Nguyễn Thị Lụa, chủ homestay Lụa Pù Luông, bản Leo cho biết, mỗi một homestay ở Pù Luông đều có bản sắc riêng, như với Lụa Pù Luông luôn tạo được sự hài hòa giữa thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Thái, mang một phong cách rất riêng và ấn tượng đối với du khách khi đến đây.
Không chỉ là không gian, phát triển du lịch cộng đồng còn tạo việc làm cho người dân trong xóm, những đầu bếp, phục vụ của Lụa Pù Luông đều là người dân trong xóm và được đào tạo bài bản, thu nhập cũng rất tốt. Bên cạnh đó, khách đến đông thì còn tạo thêm việc làm cho những người dân khác khi đưa đoàn đi trekking.
Theo anh Vi Văn Dũng, người dân trong bản giờ không chỉ làm nương đi rẫy mà còn tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Từng cung đường, vị trí của núi anh đều nhớ rõ và trên hành trình dẫn đường cho khách anh đều hướng dẫn và kể lại những giai thoại, dấu tích xưa cho tới những thay đổi gần đây cho du khách.
Không chỉ đi bộ, leo núi, khi về đêm, du khách sẽ có những đêm đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ và thưởng thức các điệu múa của người Mường, người Thái; hòa mình vào các bài hát múa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, người bản địa sẽ làm hướng dẫn viên giới thiệu về vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, người Thái; dẫn du khách đi thăm các bản lân cận khác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nếu du khách có nhu cầu khám phá hệ sinh thái phong phú của núi rừng; tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn; trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa…
Với cung đường đi thuận tiện, cảnh sắc hoang sơ, môi trường trong lành và ẩn chứa không ít điều thú vị, khu du lịch cộng đồng Pù Luông đang và sẽ là điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách trong tương lai.