Putin sa thải 2 tướng cảnh sát sau vụ nhà báo chống tham nhũng bị bắt
Hai tướng cảnh sát, người đứng đầu cục phòng chống ma túy và giám đốc cảnh sát phía tây Moscow, đã bị ông Putin sa thải sau vụ nhà báo chống tham nhũng Ivan Golunov bị bắt giữ.
Theo TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sa thải thiếu tướng Andrei Puchkov, giám đốc cảnh sát khu hành chính phía tây Moscow, người mở cuộc điều tra với nhà báo Ivan Golunov. Ông Golunov là phóng viên điều tra của trang tin Meduza đặt tại Latvia.
Trang tin của điện Kremlin cho biết một người khác cũng bị sa thải là thiếu tướng Yuri Devyatkin, đứng đầu cục phòng chống ma túy của lực lượng cảnh sát Moscow. Nhà báo Golunov bị bắt với cáo buộc tàng trữ và mua bán ma túy.
"Thiếu tướng Yuri Devyatkin, cục trưởng cục phòng chống ma túy của lực lượng cảnh sát Moscow và thiếu tướng Andrei Puchkov, cảnh sát trưởng khu vực hành chính phía tây Moscow, bị bãi nhiệm", sắc lệnh của ông Putin viết.
Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev trước đó đã yêu cầu người đứng đầu nhà nước bãi nhiệm hai tướng cảnh sát này trong vụ việc của nhà báo Golunov. Ông Kolokoltsev phát biểu hôm 11/6 rằng các cáo buộc với ông Golunov đã bị hủy bỏ và nhà báo được thả tự do không bị quản thúc ngay lập tức.
Bộ trưởng nội vụ cho biết "thiếu bằng chứng chứng minh sự liên quan của nhà báo" với các cáo buộc. Bộ Nội vụ Nga đã gửi báo cáo nội bộ tới ủy ban điều tra, cơ quan sẽ đánh giá tính hợp pháp của các hành động được thực hiện bởi những sĩ quan liên quan đến việc giam giữ Golunov.
Hôm 6/6, nhà báo Golunov bị bắt tại trung tâm Moscow và bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương với cáo buộc sản xuất, mua bán và vận chuyển trái phép ma túy.
Cảnh sát tuyên bố ông Golunov mang theo 4 gram mephedrone, một loại chất kích thích tổng hợp. Khám nhà ông Golunov, cảnh sát cho biết họ phát hiện thêm 5 gram cocaine và tòa án quận Nikulinsky ra lệnh quản thúc tại gia đối với nhà báo.
Dmitry Dzhulai, luật sư của ông Golunov, tuyên bố ma túy đã được gài vào người thân chủ của mình. Vụ việc gây ra một sự phản đối rộng rãi trong công chúng, cho rằng tự do báo chí bị ảnh hưởng.