PV GAS sẽ phát hành thêm 383 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2023
Trong năm 2023, PV GAS dự kiến phát hành là 382,79 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 20% trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành (1,91 tỷ cổ phiếu), qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 23.000 tỷ đồng.
Sáng 25/5, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, HoSE: GAS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại diện PV GAS cho biết, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 76.441 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 6.539 tỷ đồng, giảm 56,6% so với thực hiện trong năm 2022.
Kế hoạch này được đưa ra dựa vào nhận định tình hình 2023 còn rủi ro về suy thoái kinh tế, xung đột Nga - Ukraine và sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Cũng theo PV GAS, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1 (Lô 06.1, Lô 11.2 và Lô 12W). Nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, thay thế vào đó là nguồn khí có giá cao (Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, PM3 – Cà Mau) chiếm tỷ trọng lớn.
Mặc dù đặt kế hoạch đi lùi so với năm 2022, PV GAS vẫn có một bức tranh kinh doanh quý 1/2023 với nhiều gam màu sáng. Theo đó, trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.420 tỷ đồng. Xét trên mục tiêu cả năm, GAS đã hoàn thành được gần 28% kế hoạch doanh thu, và tới hơn 52% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Phó Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong chia sẻ, với tình hình giá dầu quý 1 trung bình 80 USD/thùng, PV GAS tự tin có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu 10%, vượt kế hoạch lợi nhuận 30%.
Về chỉ tiêu sản lượng năm 2023, PV GAS đặt kế hoạch 7,9 tỷ m3 khí đầu vào, tiêu thụ 7,67 tỷ m3 khí sản xuất và tiêu thụ. Lượng khí ngưng tụ (condensate) sản xuất và kinh doanh đạt 84.000 tấn.
Đối với chỉ tiêu xây dựng, PV GAS dự kiến giải ngân 2.580 tỷ đồng, trong đó hơn 2.130 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu.
Về kế hoạch đầu tư, năm nay, GAS dự kiến hoàn thành các thủ tục, đưa kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải vào chạy thử trong quý 3/2023 để sẵn sàng bổ sung khí cung cấp cho các hộ tiêu thụ khí được huy động và trong dài hạn, và dự kiến nâng công suất của dự án này lên 3 triệu tấn/năm từ 1 triệu tấn/năm trong giai đoạn đầu.
Thực hiện đánh giá, rà soát các dự án đầu tư, xác định nhóm các dự án/danh mục đầu tư cần ưu tiên thực hiện; Tìm kiếm, đẩy mạnh công tác M&A; Xem xét tham gia đầu tư/mua cổ phần/góp vốn các dự án trong và ngoài nước. Ngoài ra, làm việc với các cấp thẩm quyền để được phê duyệt cước phí Nam Côn Sơn 2 toàn tuyến và Sao Vàng – Đại Nguyệt, cước phí Phú Mỹ - TP HCM…
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thông qua việc chia cổ tức 2022 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 36%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 3.600 đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế 2022 sẽ được trích 30% cho quỹ đầu tư phát triển, tương đương 4.380 tỷ đồng.
Đối với năm 2023, GAS vẫn giữ nguyên mức trích quỹ đầu tư phát triển là 30% lãi sau thuế, đồng thời kế hoạch chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cũng được đại hội thông qua.
Đặc biệt, trong năm nay, PV GAS dự kiến phát hành thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới, nguồn vốn từ thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển.
Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của PV GAS sẽ tăng từ 19.139,5 tỷ đồng lên 22.967,4 tỷ đồng và triển khai trong năm 2023.'
Về nhân sự, tại ĐHĐCĐ lần này, PV GAS đã thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Dương Mạnh Sơn và ông Hoàng Văn Quang do đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giới thiệu để bầu vào vị trí khác.
Trong đó, ông Dương Mạnh Sơn được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ông Hoàng Văn Quang được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Đồng thời, PV GAS bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1977 và ông Phạm Văn Phong sinh năm 1977 vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, cả ông Bình và Phong đều đang là Phó Tổng giám đốc tại PV GAS.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về phương án thoái vốn Nhà nước tại GAS, Phó Tổng giám đốc Phạm Văn Phong cho hay, phương án này chưa được thông qua trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, công ty sẽ tiếp tục cập nhập trong tương lai khi có kế hoạch cụ thể.
Đối với kế hoạch thoái vốn các đơn vị thành viên của GAS, trong giai đoạn năm 2021-2022, công ty đã thông qua việc tiếp tục nắm giữ cổ phần không đổi tại các công ty thành viên và sẽ tăng vốn bằng nguồn vốn chủ sở hữu hoặc lợi nhuận chưa phân phối. Riêng trong năm 2023, PV GAS sẽ tiếp tục thoái vốn tại PV Gas Pipe và PV GAS South.
Về vấn đề nhường khí cho sản xuất điện được EVN đề xuất vừa qua, thông tin tới cổ đông, ông Phong cho biết GAS đã làm việc với các ban ngành và rất chia sẻ khó khăn với EVN. Công ty cũng đã đưa ra giải pháp thứ nhất là tìm nguồn thay thế để cấp bổ sung khí nội địa; Giải pháp thứ 2 là đưa LNG vào vận hành khoảng đầu tháng 7/2023, với dự án kho 1 triệu tấn LNG Thị Vải.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông về tiềm năng của khí LNG, lãnh đạo công ty cho biết, Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt thì mảng điện khí LNG rất tiềm năng. Ước tính đến năm 2030, điện khí LNG chiếm khoảng 14% trong cơ cấu phát điện và nhu cầu khí LNG khoảng 15 triệu tấn/năm. Do đó, có cơ hội cho PV GAS phát triển LNG trong thời gian tới.
Dự kiến trong tương lai, việc kinh doanh khí LNG sẽ đóng góp khoảng 30% doanh thu cho PV GAS.