PV GAS tài trợ 4 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Trực Khang, tỉnh Nam Định
Hòa chung không khí hân hoan nhân dịp lễ khai giảng của học sinh cả nước, thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập PV GAS và 45 năm ngày thành lập ngành Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa phối hợp cùng chính quyền và nhân dân xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tổ chức buổi lễ khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình tài trợ Trường Tiểu học xã Trực Khang.
Tham dự buổi lễ có đại diện nhà tài trợ, Tổng công ty Khí Việt Nam, các cấp lãnh đạo của xã Trực Khang, cùng đại diện thầy cô nhà trường. Với tổng mức đầu tư công trình khoảng 6,5 tỷ đồng, trong đó PV Gas tài trợ 4 tỷ đồng kinh phí xây dựng, công trình trường học mới bao gồm: Khu nhà học 2 tầng khang trang với 6 phòng học mới được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác dạy và học, cùng với công trình phụ trợ được xây mới gồm: Cổng, sân trường, hàng rào bảo vệ, cây xanh.
Đây là ngôi trường tiểu học duy nhất của xã Trực Khang - một trong những xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngôi trường cũ trước đây là dãy nhà cấp 4, được xây dựng từ đầu những năm 1960, sau nhiều lần được cải tạo, sửa chữa, đã xuống cấp trầm trọng, thiếu an toàn cho việc dạy và học của thầy cô và học trò nhà trường. Hơn nữa, công năng về cơ sở vật chất ngôi trường cũ không đáp ứng được nhu cầu học tập của hơn 400 học sinh bậc tiểu học là con em nhân dân trong xã. Chính vì vậy, ngôi trường mới khang trang, đẹp đẽ được xây dựng hoàn toàn mới này sẽ thay thế cho công trình cũ xuống cấp, như giấc mơ đã trở thành hiện thực của toàn thể thầy cô, học sinh và các bậc phụ huynh nhà trường từ bao năm.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành và bàn giao công trình tài trợ, đồng chí Trần Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Trực Khang đã thay mặt cho chính quyền và nhân dân địa phương phát biểu tri ân và gửi lời cảm ơn trước sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Tổng công ty Khí Việt Nam. Công trình tài trợ này đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp giáo dục trên vùng quê còn nghèo khó, nhưng giàu truyền thống hiếu học.