PVC được nhận lại khu đất biệt thự tại Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh
Để đảm bảo quyền lợi của nhà nước và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), tòa án tuyên tịch thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.400 m2 tại Tam Đảo giao cho PVC.
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC đã lợi dụng chức vụ tại PVC để thâu tóm khu biệt thự diện tích 3.400 m2 đất ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với giá 23,8 tỷ đồng.
Mảnh đất được chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Mai Phương (do ông Trịnh Xuân Giới) – bố đẻ Trịnh Xuân Thanh làm đại diện pháp luật. Công ty Mai Phương mới thanh toán tiền chuyển nhượng đất 20,9 tỷ đồng.
Ngày 26/8/2015, ông Trịnh Xuân giới đã làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga – là vợ Trịnh Xuân Thanh. Đến ngày 24/6/2016, bà Nga đã bán Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm với giá 45 tỷ đồng. Ông Lâm nhận chuyển nhượng khu đất trên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hội đồng xét xử nhận định, vì mục đích cá nhân bị cáo Thanh đã lợi dụng chức vụ tại PVC để tự ý tạm ứng 25 tỷ đồng của PVC cho PVC Kinh Bắc, đồng thời chuyển 21 tỷ đồng thành vốn góp của PVC tại PVC Kinh Bắc không đúng pháp luật.
Bị cáo còn nhận chuyển nhượng từ Đỗ Văn Hồng (cựu Giám đốc PVC Kinh Bắc) diện tích 3.400 m2 đất ở Tam Đảo để hưởng lợi 3 tỷ đồng. Hành vi trên của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC số tiền 13 tỷ đồng.
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị tiếp tục tạm giữ khu đất trên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Đại diện ủy quyền của Công ty Mai Phương có ý kiến đề nghị tòa công nhận quyền sở hữu hợp pháp khu đất cho Công ty Mai Phương. Cơ quan điều tra đã xác minh nguồn tiền. Công ty Mai Phương không có quan hệ gì với Trịnh Xuân Thanh. Đến nay công ty đã đầu tư trên đất. Do đó, Công ty Mai Phương đề nghị trả lại đất cho doanh nghiệp đồng thời gỡ phong tỏa giao dịch với khu đất trên.
Chiều tối 15/3, Hội đồng xét xử nhận định, Công ty Mai Phương là công ty do Trịnh Xuân Thanh thành lập, chưa có hoạt động kinh doanh gì. Số tiền chuyển nhượng đất được lấy từ tiền tạm ứng và chủ trương góp vốn trái pháp luật của Trịnh Xuân Thanh.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nhà nước và PVC, tòa án tuyên tịch thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên giao cho PVC. PVC có quyền liên hệ với cơ quan chức năng để xác nhận quyền sử dụng khu đất trên. Kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thị trấn Tam Đảo xác nhận quyền sử dụng đất đúng pháp luật.
Tòa tuyên tiếp tục tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên.
Tòa án cũng xác định, trong số tiền tạm ứng, PVC Kinh Bắc còn sử dụng 1,2 tỷ đồng của PVC nên buộc PVC Kinh Bắc phải hoàn trả cho PVC số tiền này.
Với hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Thanh còn hưởng lợi 3 tỷ đồng. Tòa buộc bị cáo nộp lại số tiền trên để sung quỹ nhà nước.
Còn các hợp đồng giữa PVC, PVC Kinh Bắc; PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương, HĐXX tuyên buộc các bên tự giải quyết và có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.
Tương tự, quan hệ tín dụng giữa PVB và Seabank, PVCombank có nhiều nội dung khác nhau, quá trình giải quyết còn liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo. HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này. Các bên tự giải quyết và có quyền khởi kiện bằng vụ án dân khác khi có yêu cầu.