PVN về đích sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính năm 2022
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính của cả năm 2022.
Cụ thể, khai thác dầu trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày (đạt 7,04 triệu tấn vào ngày 13/10/2022), thực hiện 10 tháng đạt 7,48 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch năm 2022 và tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021 (bằng 99,2% với 7,54 triệu tấn).
Đây là thành tích nổi bật nhất của PVN trong nhiều năm qua trong bối cảnh hệ số suy giảm sản lượng dầu trong nước giai đoạn 2016 - 2020 ở mức 11%/năm, năm 2021 là 5,7%.
Tính chung, tổng sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước về đích sớm 2 tháng 11 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20/10), thực hiện 10 tháng đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022; tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021 (bằng 99,4% với 9,09 triệu tấn).
Đến hết tháng 10, PVN đã đưa 4 mỏ, công trình dầu khí mới vào khai thác, gồm: giàn H4 Lô PM3 CAA ngày 30/4, sớm hơn so với kế hoạch 2 tháng; mỏ Đại Nguyệt ngày 8/8, sớm hơn so với kế hoạch 18 ngày; giàn RC-10 ngày 28/10, sớm hơn kế hoạch 18 ngày và giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm ngày 28/10, sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng.
Dự kiến PVN và Vietsovpetro sẽ đưa công trình giàn RC-RB-1 vào khai thác vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới. Như vậy cả năm 2022, toàn tập đoàn đưa 5 mỏ và công trình dầu khí mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm mà PVN đăng ký với Chính phủ và bộ ngành.
Với việc về đích sớm chỉ tiêu sản lượng khai thác cả năm, tổng doanh thu toàn PVN về đích sớm trước 4 tháng; trong đó thực hiện 10 tháng đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021.
Nộp ngân sách toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng; trong đó thực hiện 10 tháng đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch cả năm, tương đương với thực hiện cả năm 2021.
Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn 10 tháng chiếm tỷ trọng 7,7% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước và cao hơn 0,2% tỷ trọng trung bình của giai đoạn 2016-2020. Nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô 10 tháng đạt trên 65,5 nghìn tỷ đồng, vượt 2,3 lần dự toán năm (28,18 nghìn tỷ đồng) và tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại lễ mừng công vừa diễn ra, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, thành tích này của PVN có được là nhờ những bài học kinh nghiệm thành công trong quản trị biến động, dự báo chính xác thị trường, linh hoạt ứng phó trước các biến động, rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của PVN.
PVN đã thực hiện thành công phương châm xuyên suốt “quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”, ông Hùng chỉ rõ.
Để kịp thời ghi nhận những đóng góp của các tập thể, PVN và Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã khen thưởng các đơn vị đã về đích sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Các tập thể gồm: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cuu Long JOC); Công ty Liên doanh điều hành Hoàng Long - Hoàn Vũ (HL-HVJOC); Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) cùng nhiều ban chuyên môn của tập đoàn.
Trong những tháng còn lại của năm, PVN tiếp tục quản trị rủi ro, đảm bảo duy trì hoạt động của các mỏ, dự án, công trình, nhà máy vận hành an toàn ổn định. Đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị tập trung các giải pháp kỹ thuật, tăng cường quản trị, duy trì sản xuất, nâng cao sản lượng.
Bên cạnh việc hoàn thành đưa vào 4 dự án và công trình trong năm 2022, tiếp tục đưa các công trình khác vào hoạt động theo đúng tiến độ, kế hoạch, góp phần đảm bảo duy trì sản lượng khai thác trong những năm tiếp theo./.