PwC: 'Nghĩa vụ làm mẹ' góp phần gia tăng khoảng cách thu nhập giữa hai giới

PwC công bố kết quả nghiên cứu mới 'Nữ giới trong công việc' (Woman in Work Index) và 'Chỉ số Trao quyền toàn cầu' (Global Empowerment Index), trong đó đưa ra cái nhìn toàn diện về các vấn đề giới tính ảnh hưởng đến công việc trên toàn cầu.

Nghiên cứu Nữ giới trong công việc (WiW) của PwC cho thấy tiến trình bình đẳng giới vẫn còn quá chậm. Với tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập theo giới tính như hiện tại, sẽ phải mất hơn 50 năm để đạt được mức lương bình đẳng giới.

Một số chỉ số phân tích về quyền bình đẳng giới theo nghiên cứu của PwC

Một số chỉ số phân tích về quyền bình đẳng giới theo nghiên cứu của PwC

PwC: Người tiêu dùng sẵn sàng thích nghi với lạm phát

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ giảm nhẹ, từ 6,7% xuống 6,4% vào năm 2021. Tuy nhiên, những thay đổi tương tự cũng được quan sát ở lực lượng lao động nam giới, cho thấy sự tiến bộ này là dấu hiệu của các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường lao động nói chung, hơn là một tiến bộ về bình đẳng giới.

Chỉ số Trao quyền toàn cầu của PwC nhấn mạnh khoảng cách giới đáng kể, trong đó nam giới được trao quyền nhiều hơn ở nơi làm việc. Chỉ số trao quyền này dựa trên quan điểm của gần 22.000 phụ nữ đang làm việc trên khắp thế giới. Nghiên cứu đo lường 12 yếu tố trao quyền trên bốn khía cạnh: quyền tự chủ; tầm ảnh hưởng; ý nghĩa công việc và cảm giác thuộc về; sự tự tin và năng lực.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới và nữ giới nhìn chung có quan điểm giống nhau về tầm quan trọng của từng yếu tố trao quyền. Tuy nhiên, nam giới cho rằng, họ thực sự được hưởng lợi từ những yếu tố này tại nơi làm việc hơn là nữ giới. Các khía cạnh mà phụ nữ có sự bất bình đẳng lớn nhất nằm ở việc trao thưởng công bằng (khoảng cách 34 điểm giữa mong muốn và thực tế), lựa chọn thời gian (27 điểm), địa điểm (22 điểm) và cách họ làm việc (22 điểm), sự thỏa mãn với công việc (20 điểm) và việc người quản lý xem xét quan điểm của họ khi đưa ra quyết định (19 điểm).

Những người phụ nữ được trao quyền nhiều nhất có xu hướng yêu cầu tăng lương (55%) và cũng như yêu cầu thăng chức (52%) nhiều hơn. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể (lần lượt là 31% và 26%) so với mức khảo sát chung.

Theo ngành nghề, những lao động nữ được trao quyền nhiều nhất đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông, đặc biệt là công nghệ nơi phụ nữ thậm chí được trao quyền nhiều hơn một chút so với nam giới. Phụ nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và năng lượng, tiện ích và tài nguyên được trao quyền nhiều thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nam giới được trao quyền nhiều hơn./.

Bốn yếu tố trao quyền tại nơi làm việc quan trọng nhất cho phụ nữ

Đây cũng là bốn yếu tố cân nhắc hàng đầu đối với phụ nữ khi quyết định thay đổi nghề nghiệp, bao gồm:

Lương thưởng công bằng (72%)

Mức độ thỏa mãn với công việc (69%)

Nơi nhân viên có thể là chính mình (67%)

Có đội ngũ chăm sóc sức khỏe tinh thần (61%).

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/pwc-nghia-vu-lam-me-gop-phan-gia-tang-khoang-cach-thu-nhap-giua-hai-gioi-123083.html