Qatar: Đối tác nhỏ trên chính trường lớn

Qatar là một trong những nước nhỏ nhất ở Vùng Vịnh. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Phân tích quốc phòng của Mỹ Global Fire Power (GFP) năm 2023, xét về tiềm lực quân sự, nước này xếp thứ 65 trên thế giới - bên cạnh Belarus, Cuba, Syria và Azerbaijan. Sức mạnh này chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu vũ khí và công nghệ quân sự.

Khủng hoảng ngoại giao ở Vịnh Ba Tư

Đến năm 2024, số lượng máy bay của Lực lượng Không quân Qatar sẽ lên tới 96 chiếc. Việc xây dựng một kho máy bay ấn tượng như vậy liên quan tới cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Vịnh Ba Tư năm 2017. Gần đây, sau khi quan hệ với các đối tác trong khu vực trở nên bớt căng thẳng, Qatar rơi vào tình thế thú vị: bên cạnh một lực lượng không quân hùng hậu là một đội ngũ nhân sự vận hành lực lượng này khá ít ỏi.

Ông Pieter Wezeman, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế - SIPRI (Stockholm), gọi sự phát triển của Lực lượng vũ trang Qatar là “sự chuyển đổi hoàn toàn của một đội quân nhỏ thuộc một nước nhỏ thành một lực lượng vũ trang lớn nhất về quy mô, công nghệ và mạnh nhất về bình quân đầu người so với bất cứ nước nào trên thế giới”.

Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani.

Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani.

Tính dễ bị tổn thương về mặt địa lý và thiếu chiều sâu chiến lược của Qatar là nguyên nhân gia tăng chi phí quân sự để bảo vệ lãnh thổ của mình trước các đối thủ trong khu vực. Những cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng (Bahrain, Arab Saudi, Iraq) dẫn đến sự phát triển vũ khí trang bị. Cuộc tấn công của Iraq vào Kuwait và thiếu sự bảo vệ trước các yêu sách của Arab Saudi là một cú sốc đặc biệt đối với Qatar.

Năm 1996, Qatar xung đột với Bahrain và Arab Saudi, khi các nước này bị cáo buộc âm mưu đảo chính lật đổ Quốc vương Hamad bin Khalifa Al-Thani. Kể từ đó, chính quyền Qatar cho rằng Arab Saudi là mối đe dọa đối với họ.

Tuy nhiên, khác với Bahrain, Qatar không tìm kiếm sự bảo vệ của Hội đồng Hợp tác các nước Arập Vùng Vịnh (GCC), mà ngược lại, bắt đầu theo đuổi một chính sách quốc phòng cứng rắn và độc lập hơn. Qatar đã đầu tư rất nhiều tiền bạc vào chính sách đối ngoại của mình và ủng hộ phong trào “Mùa xuân Arập” năm 2011 và tổ chức “Anh em Hồi giáo”. Năm 2014, quan điểm này đã gây ra xung đột ngoại giao đầu tiên với Arab Saudi và UAE, vốn bị kích động bởi chính sách tích cực của Qatar ở Libya, Syria và Ai Cập. Chính sách ngoại giao táo bạo của Qatar dựa trên việc xây dựng quân đội quy mô lớn, được phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Năm 2017, cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa các nước Vùng Vịnh và Qatar đã dẫn đến một giai đoạn tái vũ trang mới của đất nước. Xung đột ngoại giao đã thúc đẩy việc mở rộng chương trình vũ khí với sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar đã mở rộng đáng kể lực lượng không quân của mình và từ đó đặt mua thêm nhiều vũ khí hơn. Hàng tỷ USD đã được chi cho việc bảo vệ lãnh thổ nhỏ bé của mình.

Theo giáo sư Gawdat Bahgat thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông và Nam Á (Washington, Mỹ), “Qatar tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang chủ yếu vì tin rằng quân đội Arab Saudi chuẩn bị xâm lược Qatar vào năm 2017 và tiến hành thay đổi chế độ”. Cuộc khủng hoảng ngoại giao xuất phát từ sự đối đầu giữa Qatar và Arab Saudi, được kích động bởi kênh truyền hình “Al Jazeera” của Qatar và chính sách của Qatar đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Căn cứ không quân Al-Udayd ở Doha.

Căn cứ không quân Al-Udayd ở Doha.

Ông Anthony Cordesman, chủ nhiệm bộ môn chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington), nói rằng "Vai trò ngày càng tăng của Qatar với tư cách là đồng minh của Mỹ, việc trục xuất hàng nghìn công dân Qatar gốc Arab Saudi trong hai năm qua và cơn thịnh nộ ngày càng tăng của Qatar trước sự bá quyền và thống trị của Arab Saudi các nước Vùng Vịnh" cũng trở thành vật cản trong mối quan hệ giữa Qatar và Arab Saudi. Những căng thẳng này lên đến đỉnh điểm khi các quốc gia láng giềng phong tỏa Qatar và quan hệ ngoại giao của nước này với khối Arab Saudi và Vương quốc Ai Cập bị đình chỉ.

Tiểu vương quốc giàu có

Chiến lược mua sắm thiết bị quân sự của Qatar dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài. Về mặt lý thuyết, quan điểm này cho phép chuẩn bị tốt hơn đối với nhiều tình huống tác chiến có thể xảy ra bằng cách chia sẻ thiết bị quân sự, công nghệ quốc phòng và thông tin tình báo với các nước phối hợp. Nó cũng tạo cơ hội cho Qatar xây dựng một nền ngoại giao quốc phòng lâu dài với các cường quốc nước ngoài trong tư cách người bảo đảm an ninh.

Qatar chưa dừng lại việc mua sắm các thiết bị quân sự. Tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia nhỏ cung cấp đủ kinh phí để chi trả cho những công nghệ đắt tiền của các đối tác phương Tây. Bất chấp giá dầu thấp, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục đặt mua ngày càng nhiều vũ khí kể từ năm 2016, coi chúng là công cụ thiết yếu để giải quyết xung đột và chống lại sự căng thẳng trong khu vực.

Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào Qatar sử dụng được số lượng thiết bị quân sự lớn như vậy. Theo ông Riad Khawaja, chuyên gia an ninh khu vực có trụ sở tại Dubai, kể từ năm 2017, các khoản mua sắm thiết bị quân sự của Qatar lớn đến mức Qatar “bỗng nhiên có một đống vũ khí và không có con đường rõ ràng phía trước”.

Năm 2017, Không quân Qatar có 12 máy bay Mirage 2000, 18 máy bay vận tải và 46 máy bay trực thăng mới. Đồng thời, Qatar đặt mua lô mới gồm 36 máy bay tiêm kích F-15QA và 24 máy bay trực thăng Apache của Mỹ, 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon của Anh, 36 máy bay tiêm kích Rafales của Pháp, 28 máy bay trực thăng NH-90 của Ý. Nếu tính cả số lượng vũ khí đã đặt mua, kho vũ khí của Qatar sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2024.

Chuyên gia Anthony Cordesman.

Chuyên gia Anthony Cordesman.

Sự hiện diện của Mỹ

Mục đích của học thuyết phát triển quân sự của Qatar, được xây dựng năm 1996, là chứng minh rằng Qatar không đơn độc trong khu vực và các đối thủ trong khu vực không thể tấn công nước này mà không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Mỹ, Pháp và Anh và không mạo hiểm đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Yazid Sayegh, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, nói rằng “trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Vùng Vịnh đã ký kết các hợp đồng cung cấp vũ khí lớn với Mỹ và các nước phương Tây khác dưới dạng bảo hiểm: các nước Vùng Vịnh giúp tạo việc làm trong ngành công nghiệp quân sự phương Tây, đến lượt mình, phương Tây bảo vệ các quốc gia Vùng Vịnh trước các mối đe dọa từ bên ngoài”. Qatar mong muốn những lợi ích tương tự từ việc hợp tác quân sự với các đối tác phương Tây.

Qatar hoan nghênh sự hiện diện thường xuyên của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình; việc triển khai quân Mỹ trên đất Qatar trở thành cơ sở hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Việc phê chuẩn Thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 1992 cho phép Qatar và Mỹ hợp tác quân sự ở cấp độ cao.

Năm 2002, Mỹ đóng quân tại các căn cứ quân sự của Qatar. Trụ sở của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ CENTCOM xuất hiện tại trại Al-Sailiya ở Doha, còn căn cứ không quân Al-Udayd trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nơi đồn trú của 8.000 quân nhân Mỹ tham gia các cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan, cũng như trong chiến dịch “Quyết tâm cố hữu”, chống lại Nhà nước Hồi giáo. Căn cứ không quân Al-Udayd cũng có tầm quan trọng chiến lược, vì 80% hoạt động tiếp nhiên liệu cho máy bay Mỹ diễn ra ở đây.

An ninh của Qatar trước hết phụ thuộc vào sự hiện diện của Mỹ, nó là sự bảo hiểm và yếu tố kìm hãm một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra từ Arab Saudi. Còn một lợi thế khác là kinh nghiệm huấn luyện, diễn tập và lập kế hoạch mà quân đội Mỹ chia sẻ với Qatar. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Mỹ cũng được chuyển giao cho các nước láng giềng khác trong khu vực, điều này góp phần tạo nên khả năng tương tác tiềm năng trong khu vực.

Máy bay Mirage 2000 của không quân Qatar.

Máy bay Mirage 2000 của không quân Qatar.

Đi trên dây

Một trong những nhiệm vụ chính trong chính sách của Doha là cân bằng giữa các đối tác quốc phòng khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Anthony Cordesman, “vị thế của Qatar vẫn bấp bênh vì chiến lược của nước này phụ thuộc vào sự cân bằng giữa nhiều thế lực cạnh tranh: chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, phương Tây, các nước vùng Vịnh, Iran và lợi ích của đất nước. Tương lai của Qatar phụ thuộc vào việc nước này thực hiện đường lối của mình tốt đến mức nào để không cho phép bất kỳ lực lượng nào trong số đó cản đường”.

Từ năm 2012, giới lãnh đạo Qatar đã tăng cường hợp tác mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh với một cường quốc khu vực cạnh tranh với Arab Saudi và UAE, có chung quan điểm tư tưởng đã giúp Qatar vượt qua sự cô lập ngoại giao trong cuộc khủng hoảng năm 2017. Theo ông Gawdat Bahgat, “liên minh với một cường quốc lớn trong khu vực - Thổ Nhĩ Kỳ là cách duy nhất để đối phó với các mối đe dọa”.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện trên lãnh thổ Qatar từ tháng 10/2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng căn cứ quân sự Tariq bin Ziyad ở Doha. Còn sau cuộc khủng hoảng ngoại giao, có 5.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Kể từ năm 2017, Qatar đã đặt mua một số lượng lớn vũ khí mới của Thổ Nhĩ Kỳ: 100 xe tăng, 585 xe chiến đấu bọc thép, 25 pháo tự hành và 6 máy bay không người lái.

Mới đây, Qatar dường như đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạm thời triển khai 36 máy bay chiến đấu của nước này (Rafales và Mirage) trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Song song, Qatar đã ký kết các thỏa thuận đào tạo phi công của mình tại Mỹ và Ý. Các thỏa thuận song song với những đối tác khác nhau có thể trở nên rất phức tạp về mặt chính trị. Pháp, một trong những đồng minh quân sự quan trọng của Qatar, có thể phản đối việc đưa máy bay Pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này đang tiến hành các cuộc đàm phán để cung cấp máy bay chiến đấu tương tự cho Hy Lạp và Ấn Độ. Sự cân bằng mong manh như vậy giữa các đồng minh khác nhau và lợi ích của họ có thể gây nguy hiểm cho chính sách tương tác của Qatar, vốn đang cố gắng hợp tác với quá nhiều đối tác khác nhau trong lĩnh vực quân sự.

Như vậy, giới lãnh đạo Qatar đang tìm cách sử dụng sự hợp tác quân sự với các cường quốc phương Tây để xây dựng tiềm lực quốc phòng và nâng cao kỹ năng vận hành vũ khí của mình. Cuộc khủng hoảng năm 2017 đã chứng minh cho giới lãnh đạo Qatar thấy sự cần thiết phải phát triển tiềm lực quân sự quốc gia và giành được sự độc lập nhiều hơn với các đồng minh nước ngoài.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/qatar-doi-tac-nho-tren-chinh-truong-lon-i717789/