Qatar gửi thông điệp gì của Mỹ đến Iran?
Qatar là quốc gia duy nhất ở vùng Vịnh duy trì mối quan hệ tốt với Tehran. Với Washington, Doha có thể đóng vai trò trung gian để Mỹ nối lại đối thoại với Iran.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ngày 9/7 đã đến Mỹ để đàm phán với Tổng thống Donald Trump về vấn đề Iran. Đây là lần thứ hai trong hai năm qua, quốc vương Al Thani đến Hoa Kỳ, sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 4/2018. Chuyến đi lần này của quốc vương Al Thani có tầm quan trọng lớn đối với các mối quan hệ song phương vì Qatar là một trong những tác nhân chính của thị trường khí đốt thế giới, là một quốc gia vùng Vịnh nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn, và theo Đại sứ Mỹ tại Qatar William Grant, quan hệ giữa hai nước đang ở mức "chưa từng có".
Nhân chuyến thăm Mỹ của Quốc vương Al Thani, hai nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ USD. Trong đó, Qatar Petroleum và Tập đoàn Năng lượng Chevron Phillips Chemical đã ký thỏa thuận phát triển một nhà máy hóa dầu đẳng cấp thế giới trị giá 8 tỷ USD tại khu vực duyên hải vịnh Mexico của Mỹ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2024. Bộ quốc phòng Qatar cũng đạt thỏa thuận mua hệ thống phòng không hiện đại NASAM và tên lửa Patriot của Mỹ, song không cung cấp thông tin chi tiết. Ngoài ra, Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways cũng ký hợp đồng mua 5 máy bay Boeing 777 và một máy bay khác từ nhà sản xuất máy bay thương mại Gulfstream Aerospace.
Tuy nhiên, hai năm trước, quan hệ giữa Qatar và Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Qatar "ủng hộ khủng bố" vào tháng 6/2017. Ông thậm chí còn nói rằng Doha "trong lịch sử đã giúp khủng bố ở cấp cao nhất". Những tuyên bố này được đưa ra khi Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA), Bahrain và Ai Cập tiến hành phong tỏa Qatar sau khi Doha, không giống như các đồng minh khác của Riyadh ở vùng Vịnh, từ chối cắt đứt quan hệ với Iran. Trong suốt hai năm qua, Mỹ luôn tìm cách hòa giải cho mối quan hệ Arab Saudi và Qatar, nhưng đều thất bại.
Mối quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ giữa Qatar và Iran có liên quan đến khí đốt: hai nước có chung mỏ khí đốt South Pars ở vịnh Ba Tư với trữ lượng lên tới 215 tỷ thùng dầu tương đương và 14.000 tỷ mét khối khí đốt (8% trữ lượng thế giới). Do đó, Qatar không muốn Iran bị cô lập, Yuri Barmine, chuyên gia ở Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, nhận định.
Giờ đây, khi Washington và các nước vùng Vịnh đang tích cực tăng cường sức ép đối với Iran, Qatar là quốc gia duy nhất duy trì quan hệ kinh tế với Tehran. "Cuộc gặp giữa ông Trump và quốc vương Qatar đã làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước trong bối cảnh khu vực vùng Vịnh đang nóng lên vì vấn đề Iran", Teodor Karassik, chuyên gia của tổ chức Gulf State Analytics nói với Gazeta.ru.
Trả lời phỏng vấn của Washington Post một ngày trước chuyến thăm của quốc vương Qatar, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho rằng Washington muốn sử dụng Qatar để truyền tải một thông điệp tới Iran: "Tôi không nghĩ rằng Qatar sẽ là một nhà hòa giải chính thức. Nhưng chúng tôi có thể hy vọng rằng họ sẽ chuyển các thông điệp về các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng và tạo ra một hình thức đối thoại với Iran", quan chức này nói.
Những tuyên bố như vậy củng cố vai trò của Qatar trong cuộc đối thoại với Iran, nước từ chối tiếp xúc trực tiếp với Hoa Kỳ. Các nước láng giềng Arab cũng nhận thức được vai trò ngoại giao của Qatar. Gần đây, lần đầu tiên kể từ khi bị phong tỏa, người đứng đầu chính phủ Qatar, Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia Arab ở Mecca.
Tuy nhiên, bất chấp việc duy trì đối thoại với Tehran, Qatar vẫn ở thế khó trong cuộc đối đầu Mỹ-Iran. Trên lãnh thổ Qatar có căn cứ Al Udeid của Mỹ, khả năng được Mỹ sử dụng trong một chiến dịch chống lại Iran. Ngày 28/6 vừa qua, Lầu Năm Góc lần đầu tiên cho triển khai những chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Theo Không quân Mỹ, có khoảng 10 chiếc tiêm kích F-22 được triển khai đến Qatar nhằm bảo vệ lực lượng quân sự và quyền lợi của Mỹ. Trước đây, F-22 từng được điều đến căn cứ Al Dhafra ở UEA, tham gia chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào các thành phần khủng bố ở Iraq và Syria, trước khi được thay thế bằng các chiến đấu cơ F-15C vào năm 2018.
Việc điều động F-22 đến Qatar nằm trong một loạt động thái tăng cường lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực trong bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng với Iran. "Căn cứ Al Udeid ở Qatar được coi là yếu tố chính trong chiến lược kiềm chế Iran của Mỹ", chuyên gia Youri Barmine nói. Về phần mình, chuyên gia Teodor Karassik lưu ý rằng sự hiện diện của căn cứ này "khiến Qatar trở thành mục tiêu số một của Iran". Chắc chắn, Iran sẽ xem xét tất cả những yếu tố trên, sau khi không trông hòng gì vào sự giúp đỡ của các nước EU để né các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một chi tiết mới được báo chí Mỹ loan tin là việc quân đội Qatar và Mỹ vừa ký một thỏa thuận về phương thức hành động tiêu chuẩn cho lực lượng NATO tại Qatar. Theo nhận định của truyền thông Mỹ, thỏa thuận trên là cơ sở để Mỹ mượn lãnh thổ của Qatar tấn công Iran. Căn cứ Al-Udeid của Không quân Hoa Kỳ tại Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Trung Đông. 13.000 binh sĩ được triển khai ở đó và những người này tham gia các hoạt động trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị Iran Mosayeb Naimi, rất khó có khả năng Qatar, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, cho Mỹ mượn lãnh thổ của mình để tấn công Iran, vì không ai muốn bị kéo vào một cuộc chiến. “Cả tình hình bên trong nước Mỹ lẫn ở vùng Vịnh đều không cho phép Washington bắt đầu một cuộc chiến với Iran. Qatar đã nói với Tehran và Washington rằng sẽ không có chuyện sử dụng lãnh thổ của họ để chống lại Iran", ông Naimi nói. Các động thái mới nhất của Mỹ là một phần của quá trình tuyên truyền nhằm đưa Iran chống lại Qatar, theo chuyên gia Naimi. "Bất kỳ quốc gia nào bị lôi kéo vào cuộc chiến chống Iran sẽ phải chịu những tổn thất to lớn. Không một quốc gia nào muốn điều đó, ngay cả các quốc gia trong liên minh do Mỹ lãnh đạo, như Arab Saudi và UEA. Iran sẽ đáp trả tức thì ngay khi bị tấn công", vị chuyên gia nói. Ông Naimi cũng nhận định rằng, nếu cuộc chiến xảy ra có thể phá vỡ sự cân bằng tình hình hiện tại trong khu vực, điều mà Qatar hoàn toàn nhận thức được. "Hiện Qatar chưa đưa ra tuyên bố nào về khả năng hình thành liên minh với Mỹ chống Iran", chuyên gia Mosayeb Naimi cho biết.
Ngày 8/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết các nước ký kết thỏa thuận hạt nhân chỉ có 60 ngày để "cứu vãn thỏa thuận". Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo rằng cứ sau 60 ngày, Tehran sẽ lại giảm bớt các cam kết nếu các đối tác còn lại trong thỏa thuận hạt nhân không tôn trọng những điều đã cam kết với Iran. Ngày 10/7, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne đã đến Tehran để thuyết phục chính quyền Iran không rút khỏi thỏa thuận.
Việc đối thoại với Iran thông qua Qatar sẽ mang đến một cơ hội thỏa hiệp và ngăn ngừa xung đột. Nếu không, nguy cơ bất ổn cho tất cả các nước vùng Vịnh, bao gồm cả Qatar, là rất cao.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/qatar-gui-thong-diep-gi-cua-my-den-iran-542714.html