Qatar - trung gian đàm phán lừng danh, không ngại khó, sẵn sàng 'dốc hầu bao', chỉ sợ không được việc

Điều gì khiến Qatar - quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên - lại tích cực trong các cuộc đàm phán ngoại giao?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Doha, Qatar, ngày 20/8 để tham gia đàm phán thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Doha, Qatar, ngày 20/8 để tham gia đàm phán thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza. (Nguồn: Reuters)

Thiết lập an ninh riêng trong khu vực luôn bất ổn

Trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang chững lại, Qatar vẫn tiếp tục làm trung gian cho các bên trong những cuộc xung đột toàn cầu khác. Các quan chức từ Nga và Ukraine đã không gặp gỡ ngay từ khi cuộc xung đột giữa hai nước nổ ra hồi đầu năm 2022. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, tin tức về các cuộc đàm phán khả thi do quốc gia Trung Đông Qatar làm trung gian đã xuất hiện.

The Washington Post, cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về chủ đề trên, nhận định cuộc đàm phán “có thể tạo ra lệnh ngừng bắn một phần và từ đó mang lại thỏa thuận đình chiến cho cả hai quốc gia".

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ vì quân đội Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk của Nga. Nhưng tin tức về tiềm năng đàm phán giữa Moscow và Kiev cũng có thể được xem là một chiến thắng khác cho quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nhưng giàu khí đốt Qatar.

Đây không phải là lần đầu Doha đóng vai trò hòa giải các cuộc xung đột bên ngoài Trung Đông. Qatar từng hỗ trợ thực hiện các thỏa thuận để thả những người Mỹ bị giam giữ ở Iran, Afghanistan và Venezuela.

Ngoài ra, Doha đã góp phần tạo ra các đột phá ngoại giao giữa Sudan và CH Chad, Eritrea và Djibouti, cũng như thỏa thuận hòa bình Darfur năm 2011.

Năm 2020, Qatar hỗ trợ đàm phán với nhóm Taliban về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Hồi tháng 11/2023, các nhà đàm phán từ quốc gia Trung Đông này đã hỗ trợ đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời trong cuộc xung đột ở Gaza.

Trả lời DW, ông Burcu Ozcelik, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định, sự nổi lên của Doha như một nhà trung gian quan trọng đã nâng cao vị thế ngoại giao của Qatar, từ một quốc gia lạc lõng trong khu vực thành một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế.

Ông Ozcelik cũng đánh giá vai trò mới này giúp tăng cường ảnh hưởng của Doha và định hình Qatar là “đối tác vì hòa bình” không thể thiếu trong cộng đồng toàn cầu.

Theo nhiều nhà phân tích, Qatar muốn tự thiết lập an ninh riêng cho mình trong một khu vực bất ổn bằng cách thể hiện sự vượt trội về mặt ngoại giao.

Mối quan hệ chính là "chìa khóa"

Với Qatar, các mối quan hệ chính là "chìa khóa". Nước này nổi tiếng với mạng lưới liên lạc rộng lớn, đa dạng. Kể từ năm 2001, Qatar đã cho Mỹ đóng quân tại Căn cứ Không quân al-Udeid - hiện là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông với khoảng 10.000 quân.

Theo chuyên gia về các quốc gia vùng Vịnh tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Cinzia Bianco, Qatar chắc chắn được hưởng lợi từ điều này vì chính phủ các nước phương Tây, và cả phương Đông, ở một mức độ nào đó cho rằng Doha là người bạn hữu ích.

Điển hình, Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2022 đã gọi Qatar là “đồng minh lớn nằm ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, một phần vì vai trò của Qatar trong việc đàm phán rút quân khỏi Afghanistan.

Qatar còn có khả năng đồng cảm các bên. Trong khi hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Doha vẫn khéo léo với các tổ chức Hồi giáo trong khu vực, nhận định đây là một phần của các phong trào chính trị phổ biến - điều không thể xóa bỏ hoặc né tránh. Các thành viên Taliban từng cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn ở Qatar, quốc gia mà họ tin là thấu hiểu tất cả các bên.

Cũng theo chuyên gia Bianco, các nhà đàm phán Qatar không nhất thiết phải có kỹ năng đặc biệt dù được đào tạo cho công việc này. Bà không cho rằng họ giỏi hơn các nhà ngoại giao của các chính phủ khác, bao gồm cả ở châu Âu.

Điểm mạnh của các nhà đàm phán Qatar, theo chuyên gia Bianco, là thái độ cố gắng trung lập nhất có thể. Đối với Doha, việc đóng vai trò hòa giải là vô cùng quan trọng, và điều đó có nghĩa là Doha đặt vai trò này lên trên mọi thứ khác, kể cả chính trị nội bộ và khu vực.

Ngoài ra, cũng theo bà Bianco, điều này liên quan tới sự giàu có của Qatar, bởi các nguồn lực của nước này cho phép họ tiếp đón các bên liên quan và giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc.

Trong một bài phân tích hồi tháng 2 năm nay in trong ấn phẩm đánh giá các sáng kiến hòa bình quốc tế, ông Sultan Barakat, giảng viên môn chính sách công tại Đại học Hamad Bin Khalifa ở Qatar, nhận định, việc Bộ Ngoại giao Qatar có khả năng đưa ra quyết định mà không bị công chúng chất vấn hay giám sát cho thấy họ có thể hành động một cách quyết đoán.

Tuy nhiên, việc trở thành "nhà đàm phán của thế giới" không hề đơn giản. Các cuộc đàm phán Hamas-Israel hiện tại mà Doha tham gia là một trong những cuộc giao dịch "có rủi ro cao nhất" mà nước này từng thực hiện. Ở một số thời điểm, các chính trị gia Israel cáo buộc Qatar đang tài trợ cho Hamas. Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ đã kêu gọi "đánh giá lại" mối quan hệ với Qatar, nếu Doha không gây thêm áp lực lên Hamas.

Các chuyên gia nhận định rằng, thế giới cần Qatar đảm nhiệm vai trò trung gian vào thời điểm này. Trả lời DW, ông Rabih El-Haddad, Giám đốc bộ phận ngoại giao đa phương tại Viện Đào tạo và nghiên cứu Liên hợp quốc ở Thụy Sĩ đánh giá rằng, nhân loại trong quá khứ đã phải trả giá đắt vì không ngồi lại và nói chuyện với nhau trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới.

Chuyên gia Rabih El-Haddad nhấn mạnh: “Ngày nay, chúng ta cần các nhà trung gian tạo điều kiện cho những bên đang xung đột nói chuyện với nhau và giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, ngoại giao và theo luật pháp quốc tế”.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/qatar-trung-gian-dam-phan-lung-danh-khong-ngai-kho-san-sang-doc-hau-bao-chi-so-khong-duoc-viec-283951.html