Qatar và bài toán xử lý 'voi trắng trên sa mạc'
World Cup 2022 vẫn đang diễn ra nhưng nhiều sân vận động ở Qatar đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Vậy tương lai nào cho 'những con voi trắng trên sa mạc'?
Được xây dựng theo kiểu mô-đun với 974 chiếc container xếp chồng lên nhau, sân 974 đã đi vào cuốn biên niên sử World Cup khi trở thành sân vận động tạm thời đầu tiên. Và nó cũng được nhắc đến với việc “tan biến” ngay lúc World Cup còn đang diễn ra. Thật trớ trêu.
Chỉ hai tuần sau khi đón những khán giả đầu tiên, sứ mệnh của 974 đã hoàn thành. Nó sẽ được tháo dỡ và tìm kiếm cuộc sống thứ hai ở nơi nào đó không phải Qatar. Ban đầu nó được cho là tới châu Phi, song nhiều nguồn tin gần đây lại nói, các khối container có khả năng được chuyển đến và lắp đặt lại ở Uruguay. Quốc gia Nam Mỹ này là đối tác quan trọng của Qatar trong chiến lược “Tầm nhìn 2030”, đồng thời đang vận động đăng cai World Cup 2030. Biết đâu đấy, 974 sẽ được tái sinh ở chính World Cup, trở thành giải pháp sáng tạo và giảm thiểu chi phí cho các quốc gia chủ nhà.
Theo đuổi giấc mơ World Cup song người Qatar hiểu rằng các sân vận động sẽ không bao giờ được lấp đầy sau khi lễ hội kết thúc. Vì vậy, ngoài sân 974 bị dỡ bỏ, 7 sân còn lại đều giảm quy mô bằng việc rút bớt số ghế. Tổng cộng sẽ có 170.000 ghế dư thừa. Theo tuyên bố từ Qatar, tất cả sẽ được “quyên góp cho các dự án phát triển bóng đá ở nước ngoài”.
Vậy bản thân các sân vận động thì sao? Khalifa là sân duy nhất có trước khi Qatar giành quyền đăng cai vào năm 2010. Nó vẫn sẽ là sân vận động quốc gia sau khi bớt đi 5.000 chỗ. Al Janoub với thiết kế bắt mắt, liên tưởng tới cánh buồm căng gió của những chiếc thuyền dhow truyền thống, sau khi hoàn thành “nghĩa vụ” World Cup được chuyển giao cho CLB Al-Wakrah. Có điều Al-Wakrah chỉ quen chơi dưới sự chứng kiến của vài trăm khán giả, vì vậy, Al Janoub có thể được sử dụng như một trung tâm tiệc cưới.
* Số liệu từ naijmobile
Để tránh các sân trở thành “voi trắng trên sa mạc” (thuật ngữ chỉ những thứ tốn kém và ít hữu dụng), chuyển đổi công năng là cần thiết. Sân Ahmad Bin Ali đang được liên kết với Trung tâm thương mại Qatar, đồng thời được cải tạo một số hạng mục để trở thành sân chơi, công viên trượt băng, kết hợp là sân nhà của CLB Al-Rayyan SC. Còn sân Al Thumama, chiếc mũ truyền thống của nam giới Trung Đông, vì vấn đề đi lại không thuận tiện, dự kiến sẽ là văn phòng, trung tâm huấn luyện và bệnh viện thể thao cho các VĐV trên toàn Qatar.
Với sân Education City, như tên gọi, sau khi loại bỏ tầng trên sẽ được tặng cho sinh viên và giảng viên tại Qatar Foundation. Sân bóng vẫn được duy trì nhưng nó sẽ trở thành trung tâm thể thao, giải trí phục vụ sinh viên và cộng đồng.
Trong số 8 sân phục vụ World Cup 2022, Al Bayt và Lusail được xây dựng tốn kém nhất. Cũng phải thôi bởi “chiếc lều Bedouin” là nơi tổ chức lễ khai mạc, còn “chiếc bát Ả rập” được dành cho trận chung kết. Chính vì vậy, tái sử dụng chúng như thế nào là bài toán nan giải.
Theo kế hoạch, từ 60.000 chỗ ngồi, Al Bayt chỉ còn 32.000 chỗ sau World Cup. Không gian bên dưới sẽ trở thành khách sạn hạng sang, trung tâm mua sắm, bệnh viện và hội trường. Tuy nhiên, đang có ý tưởng biến Al Bayt thành nơi trưng bày di sản văn hóa, trong khi sân cỏ được cải tạo thành trường đua lạc đà.
Còn Lusail, sau khi trận chung kết khép lại, toàn bộ số ghế (80.000) được tháo và chuyển cho các cửa hàng, quán café, trường học, bệnh viện. Các tầng trên dự kiến giải quyết vấn đề nhà ở cho lao động nhập cư, bên dưới là tổ hợp đa năng, vừa là lớp học, phòng khám hay cơ sở thể thao, trong khi sân cỏ thành sân chơi cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Để thực thi là bài toán thực sự nan giải với một đất nước chỉ có hơn 300.000 dân bản địa như Qatar.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/qatar-va-bai-toan-xu-ly-voi-trang-tren-sa-mac-post1493844.tpo