QL25 'oằn mình' cõng xe chở mía quá tải về nhà máy đường ở Phú Yên
Cả trăm lượt xe chở mía có dấu hiệu quá tải chạy ngày đêm trên QL25 về nhà máy đường KCP (xã Sơn Hà, Sơn Hòa, Phú Yên) nhưng không bị kiểm tra, xử lý.
Nối nhau chạy quá tải cầu đường, hoạt động rầm rộ đêm ngày
Những ngày trung tuần tháng 2/2024, PV có mặt trên địa bàn Sơn Hòa (Phú Yên), chứng kiến từng đoàn xe tải loại thùng lớn, chở đầy mía nối nhau lưu thông trên QL25 về phía nhà máy đường KCP.
Dễ dàng nhận thấy, đoàn xe hoạt động từ sáng sớm đến tận khuya, chủ yếu dùng loại xe tải thùng loại 3-4 trục. Không có gì đáng nói nếu hoạt động vận chuyển đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, bám theo đoàn xe này, PV ghi nhận hoạt động chở mía dấu hiệu quá tải rõ ràng, tài xế phóng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, hư hại đường xá…
Sáng sớm 18/2, chiếc xe tải BKS 78H-01513 chất đầy thùng mìa từ cánh đồng của người dân trên địa bàn Sông Hinh (Phú Yên), men theo con đường liên xã, ra đường tỉnh và nhập về QL25. Tài xế nhanh chóng cho xe chạy về phía trung tâm huyện Sơn Hòa trước khi bẻ lái vào ngã từ đường 24 tháng 3 để chạy về bãi tập kết xe hàng của nhà máy đường KCP. Tại đây, có 2 khu đất trống tiếp giáp nhau ngay bên đường 24/3 được sử dụng làm bãi tập kết xe mía. Ước tính có hơn trăm xe nối nhau xếp từng hàng chờ đến lượt để vào nhà máy đổ mía.
Theo sau xe 78H-015.13, loạt xe tải BKS 78C-056.96, 78C-024.07, 78C-068.49, 78F-004.46… nối nhau ra vào. Xế trưa 18/2, ngay trên QL25 đoạn qua Sơn Hòa, từng đoàn xe tải chở mía vẫn hoạt động tấp nập ngược xuôi. Con đường 24 tháng 3 ngay ngã tư với QL25 cắm biển cấm tải 10 tấn, tuy nhiên không hiếm phương tiện quá tải trọng cầu đường vẫn mặc sức lưu thông.
Chưa đầy 30 phút gần trưa cùng ngày có gần chục chiếc xe tải chở mía vô tư vượt đường cấm tải 10 tấn trên. Xe tải 4 trục BKS 78H- 018.26 vừa từ đường 24 tháng 3 cấm tải 10 tấn băng ra QL25, 2 xe tải BKS 78H-014.11, 78H- 003.32 cũng nối đuôi lưu thông trên đường cấm tải ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Chỉ cần xác xe theo đăng kiểm, loại phương tiện này đã nặng 16 tấn, chưa kể đầy thùng mía chở phía sau, cho thấy quá tải trọng rõ ràng của đường cấm tải 24 tháng 3. Mặt đường nhỏ hẹp trước bề rộng xe tải, tung bụi mù mịt, khiến người đi xe máy phải dạt ra 2 bên lề đường. Cứ thế đoàn xe trực chỉ về nhà máy đường KCP.
Không chỉ quá tải đường cấm tải trên 10 tấn, đoàn xe này còn có dấu hiệu quá tải trọng phương tiện rõ ràng. Trích xuất dữ liệu đăng kiểm, các xe loại 3 trục hầu hết có tổng trọng tải 24 tấn, trong đó hàng hóa cho phép tham gia giao thông chừng 14-15 tấn, loại xe 4 trục có tải trọng cho phép 18-19 tấn (tùy xe), tuy nhiên, thực tế cho thấy các xe đều dấu hiệu vượt tải trọng cho phép mức 30-50%.
TTKS có cũng như không?
Trong vai tài xế mới chạy chuyến đầu, PV được các “đồng nghiệp” tận tình hướng dẫn cách thức nhập hàng và hành trình trên đường. Treo võng nằm nghỉ trưa ở phía đuôi xe đậu trong bãi tập kết chờ xếp lượt, tài xế xe tải 78H-056.96 bảo, mình chở hàng cho nhà máy đường KCP nhiều năm nay. Xe của gia đình nhưng muốn chở hàng phải được KCP ký kết hợp đồng. Mỗi năm, nhà máy nhập mía trong 3 tháng (tháng 1- tháng 3/2024), đang vào cao điểm nên lượng xe rất đông. Thời gian chờ ở bãi tập kết đến khi được gọi vào xả hàng mất chừng 4-5 tiếng, nếu lâu thì hơn nửa ngày.
Theo nam tài xế này lái xe 3 trục, nhưng hầu như chở đến trên dưới 20 tấn mía. “Năm nay, cơ quan chức năng làm chặt nên hầu như không còn xe cơi thùng, nhưng quá tải thì không tránh khỏi. Xe 3 trục chở 20 tấn, xe 4 trục chở 26-28 tấn, quá tải đến 50% là bình thường”, tài xế nói, và cho biết thêm: mỗi năm có 3 tháng thu mua mía, nên mọi người phải tranh thủ chở, không quá tải thì không có lời.
Như để minh chứng cho xe quá tải, PV được giới thiệu lên xe tải 4 trục BKS 78H-015.13 vừa nhập hàng ở nhà máy đường KCP lưu thông ra phía đường 24 tháng 3. Nam tài xế cho hay, xe nhập mía ở Sông Hinh, trung bình chở trên dưới 28 tấn mỗi xe. Phiếu cân xe ngày 18/2 hiển thị, tổng trọng lượng xe 78H-015.13 ở thời điểm cân hơn 42 tấn. Trừ xác xe 13,6 tấn, khối lượng hàng hóa còn lại hơn 28 tấn (trong khi tải trọng cho phép chưa đầy 13,5 tấn).
Chiều cùng ngày, xuất hiện tổ Tuần tra kiểm soát (TTKS) tuần tra lưu động một số vị trí dọc QL25 quanh khu vực nhà máy đường, nhưng mọi việc diễn ra rất nhanh chóng: không cần ra hiệu lệnh dừng xe, cánh tài xế xe chở mía tự động tấp lại, chạy về phía xe chuyên dụng và rời đi sau chưa đầy 1 phút.
Đặc biệt, tối 18/2, đoàn xe chở mía gia tăng công suất hoạt động, nối nhau chạy trên QL25 về phía nhà máy đường KCP. Phát hiện tổ TTKS làm nhiệm vụ trên QL25 gần ngã tư với QL19C, từng lượt tài xế chỉ việc tấp lại, chạy về phía ô tô chuyên dụng của CSGT. Và rất nhanh sau đó, đoàn xe chở mía lại lưu thông.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Vũ Hùng Tường, Trưởng phòng CSGT, Công an Phú Yên, tổ công tác trên QL25 được trang bị cân lưu động. Chỉ tính riêng tháng cao điểm qua (từ 11/1 đến 19/2, Phòng CSGT đã xử lý gần 150 trường hợp xe quá tải, trong đó riêng QL25 xử lý 76 trường hợp, chiếm hơn 1 nửa. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Công an tỉnh đã quán triệt tinh thần xử lý “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” với xe quá tải và lưu tâm đặc biệt đến vấn đề xe chở nông sản, chở mía.
Việc để lọt xe chở mía theo ghi nhận của PV, ông Tường cho biết sẽ kiểm tra, xác minh vụ việc. Trường hợp có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Lãnh đạo Đội CSGT-TT (Công an huyện Sơn Hòa) cho hay: trước cao điểm vận chuyển mía, đơn vị làm việc với nhà máy đường, các nhà xe vận chuyển, ký cam kết không được cơi nới thành thùng, chở hàng đúng quy định. Đến nay các xe chấp hành nghiêm quy định về kích thước thành thùng. Lực lượng CSGT huyện tăng cường xử phạt các xe chở quá tải trọng và hầu như xe nào cũng có biên bản về lỗi này, nhằm kịp thời răn đe, chấn chỉnh. “Các xe thường thuê lực lượng cảnh giới để canh chừng tổ TTKS, qua đó lén lút chạy vào đường cấm tải… Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội triển khai lực lượng để xử nghiêm vi phạm này”, đại diện Đội CSGT-TT Công an huyện Sơn Hòa cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!